Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc trên toàn quốc. Sau 2 năm triển khai, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Nghèo đã giảm
Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách phục vụ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững đáp ứng nguyện vọng chính đáng, được đồng bào ủng hộ.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp vùng cao bảo đảm an ninh lương thực. |
Trên cơ sở Nghị quyết 80, Trung ương đã bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, chính sách, dự án để đầu tư, hỗ trợ một cách toàn diện về kinh tế - xã hội. Sau 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Người nghèo đã dễ dàng tiếp cận với các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 11,76% (năm 2011) xuống 9,6% (năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện thụ hưởng đầu tư theo Nghị quyết 30a giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm 7%/năm; đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện; bảo đảm an sinh xã hội; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo, mỗi địa phương đều có sáng kiến, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, song nhìn chung các chính sách đã phát huy hiệu quả, đời sống đồng bào được cải thiện. Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện các chính sách và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo mới đây, ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện chính sách; triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tiến độ các chương trình dự án giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành cần lồng ghép nhiều chương trình và vận dụng hợp lý các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo. Năm 2013, tỉnh phấn đấu giảm 2 - 3% hộ nghèo.
Trong 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Sản lượng lương thực tăng từ 166.436 tấn (năm 2010) lên 177.245 tấn (năm 2012). Lương thực bình quân năm 2012 đạt trên 433kg/người/năm. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây lương thực. Tình hình hộ nghèo có xu hướng giảm nhanh bền vững, tỷ lệ hộ nghèo 2 năm qua giảm 13%. Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2011-2012, đã đem lại mùa màng bội thu, đời sống đồng bào no ấm, bản làng thay da đổi thịt.
Nhưng thiếu bền vững
Tuy chính sách giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, thì tỷ lệ đói nghèo giữa các vùng vẫn còn chênh lệch: Tây Bắc với tỷ lệ 33,02%; Đông Bắc 21,01%; Khu Bốn cũ 18,28%; Tây Nguyên 18,47%... Công tác giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệnh giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc: Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi Tây Bắc cao gấp gần 3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước; miền núi Đông Bắc là 1,81 lần; Bắc Trung bộ và Tây Nguyên là 1,56 lần.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi hộ nghèo còn trên 60 - 70%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân người DTTS chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân cả nước.
Một trong những nguyên nhân là có quá nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, dẫn đến sự hỗ trợ manh mún, dàn trải, chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả đầu tư thấp. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách chậm; một số chính sách triển khai lúng túng do văn bản hướng dẫn có sự bất cập, khó khăn triển khai thực hiện…
Bên cạnh đó, mức đầu tư hiện còn thấp so với nhu cầu. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương trong xây dựng, thực hiện chính sách còn những vướng mắc; một số chính sách chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn theo kiểu “nhiệm kỳ”. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo, chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng một cách dàn trải, hiệu quả thấp. Mặt khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Để chính sách giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả hơn nữa Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tập trung sâu hơn về mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ, đối tượng, phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ phù hợp để nông dân tự vươn lên thoát đói nghèo, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước; cần làm tốt công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS gắn với việc phát triển rừng, giao khoán bảo vệ rừng, tạo thu nhập cho người dân. Chính quyền các cấp cần xem giảm nghèo là một việc làm thường xuyên liên tục, có sự gắn kết giữa giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: Minh Đức