Thông tin ngày càng nhiều về khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị lần đầu tiên trong 7 năm qua tăng lãi suất cơ bản đã gây bất an các nhà đầu tư, khiến họ vội vã bán ra, làm cho giá vàng thế giới ngày 20/7 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết, trong phiên giao dịch cuối ngày 20/7, giá vàng giao tháng Tám của Mỹ giảm 2,2%, xuống 1.106,80 USD/ounce. Đây là phiên thứ 6 giá vàng liên tiếp giảm.
Trước đó trong ngày, giá loại hàng hóa đặc biệt này có lúc giảm tới 48 USD, xuống mức 1.080,05 USD/ounce. Đây là mức giá thấp nhất của mặt hàng kim loại quý hiếm này kể từ tháng 2/2010.
Tại thị trường London (Anh), giá vàng thậm chí còn giảm tới 2,5%, xuống 1.104,60 USD/ounce. Trước đó trong ngày, giá vàng tại thị trường này có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010, dưới ngưỡng 1.100 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thị trường thế giới đến nay đã giảm tổng cộng hơn 40% so với thời điểm mức giá đỉnh cao tháng 8/2011.
Ngoài khả năng FED tăng lãi suất cơ bản do thực trạng và viễn cảnh kinh tế Mỹ khá hơn, các chuyên gia cho biết thông tin về lượng vàng dự trữ của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng Sáu tăng 57% cũng làm cho giới đầu tư phải giảm bớt cổ phiếu khỏi mặt hàng kim loại thường được chọn làm nơi đầu tư an toàn này trong các tình huống có thể dẫn tới khủng hoảng.
Ông Evan Lucas, chiến lược gia thị trường thuộc công ty IG, dự báo sự lao dốc liên tục gần đây là dấu hiệu cho thấy giá vàng vào cuối năm 2015 này có thể trở lại mức 1.000 USD/ounce khi các nhà đầu tư nhìn thấy các nơi đầu tư sinh lợi và hấp dẫn hơn như đồng USD và trái phiếu của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, mối lo về nguồn cung dư thừa nhiều hơn trong bối cảnh khả năng Iran sớm được nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu là nguyên nhân chính đẩy giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong cùng ngày giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 tháng qua.
Theo số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York, trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 20/7, giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giao tháng Tám giảm 0,74 USD, tương đương với 1,50%, xuống 50,15 USD/thùng.
Đây là mức giá thấp nhất của loại dầu thô này kể từ ngày 2/4/2015. Trước đó, trong phiên giao dịch buổi sáng, giá dầu thô WTI thậm chí có lúc thậm chí đã giảm sâu xuống mức 49,85 USD/thùng.
Tại thị trường London (Anh), giá dầu thô ngọt nhẹ Brent giao tháng Chín giảm 0,8%, tương ứng với 0,45 USD, xuống 56,65 USD/thùng. Giá dầu thô hồi tháng Ba vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, dẫn tới việc Mỹ phải ngừng hoạt động hàng trăm giàn khoan thăm dò.
Trong vài tháng qua, nhất là trong tháng Tư, giá loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này trên đà tăng giá trở lại. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới lại quay lại thời kỳ liên tục giảm giá.
Các chuyên gia nhận định bất chấp việc người tiêu dùng Mỹ gia tăng sử dụng xe ô tô do giá xăng rẻ, thỏa thuận lịch sử mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vừa ký ngày 14/7 liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran khiến các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ càng dư thừa do lệnh cấm vận xuất khẩu dầu đối với Tehran có thể sớm được dỡ bỏ.
Một số chuyên gia phân tích thậm chí còn dự báo về nguy cơ giá dầu thô sẽ bước vào giai đoạn giảm mạnh hơn nữa một khi lệnh cấm vận chính thức được bãi bỏ cho phép Iran tăng gần gấp đôi lượng dầu xuất khẩu, từ 1,2 triệu thùng hiện nay lên 2,3 triệu thùng/ngày.
Theo dự báo của các chuyên gia, với cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran đã tạm thời chấm dứt, giá dầu thô WTI của Mỹ và giá dầu thô Brent trong quý III/2015 có thể lần lượt giảm xuống các mức tương đương dưới 50 USD và dưới 55 USD/thùng.