Khách mua vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Mở cửa ngày giao dịch, giá kim loại quý đã chạm mức 34 triệu đồng/lượng. Cụ thể, đầu giờ sáng vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 33,84 – 34,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tuy nhiên, chỉ sau đó ít phút, mức giá này đã được điều chỉnh giảm. Lúc 11 giờ 20 phút, thương hiệu vàng này được điều chỉnh còn 33,68 – 33,93 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 160.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 170.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó trên thị trường thế giới, giá vàng châu Á đi lên trong phiên giao dịch sáng ngày 7/3 trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Tuy vậy, mức tăng này không nhiều do giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á leo lên mức cao nhất của hai tháng qua sau báo cáo việc làm tích cực trong tháng Hai của Mỹ.
Trên Sàn giao dịch Manila (Philippines), vào lúc 7 giờ 47 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.263,41 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã giảm xuống hôm 4/3 sau khi đạt mức đỉnh 1.279,60 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 3/2/2015. Tuy nhiên, giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng Tư giảm 0,5% xuống 1.264,40 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 33,9 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu chưa tính thuế và các khoản phí, giá vàng trong nước và thế giới hiện tương đương nhau.
Những ngày qua, giá vàng trong nước luôn biến động chậm hơn so với giá thế giới. Điều này đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường về mức thấp kỷ lục trong khoảng 5 năm trở lại đây. Thậm chí vào cuối tuần qua, giá vàng trong nước còn rẻ hơn giá thế giới.
Dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được rút ngắn ở mức “lý tưởng” nhưng thị trường suốt gần một tháng qua hầu như vẫn bình lặng. Giới phân tích nhận định, sự bấp bênh của giá vàng cùng với những chính sách quyết liệt nhằm chống vàng hóa nền kinh tế của nhà điều hành đã làm nản lòng giới đầu cơ.