Vàng được trưng bày tại Sàn giao dịch vàng Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tình hình địa chính trị luôn là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường vàng. Mỗi khi có bất ổn về địa chính trị, nhà đầu tư thường tìm đến mặt hàng kim loại quý nhiều hơn nhằm bảo đảm tài sản an toàn, vì thế giá vàng tăng mạnh.
Thị trường vàng trong nước tuần qua đã thiết lập một vùng trũng về giá trong các giao dịch giữa tuần. Ngoài các phiên giao dịch đầu tuần và cuối tuần giá vàng có nhích tăng, phần lớn thời gian còn lại, giá vàng SJC được duy trì trong khoảng 36,5 triệu đồng/lượng.
Theo Tập đoàn Doji, thị trường trong nước ít biến động do sự dè dặt của nhà đầu tư, hơn nữa ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương hôm thứ 5 là lí do tạo nên tâm lý xả hơi của những người tham gia thị trường. Lượng giao dịch mỏng, chủ yếu là giao dịch nhỏ và không đủ khiến giá bật tăng lên.
Do không có biến động lớn về giá nên các mặt hàng vàng tuần qua cũng duy trì mức chênh lệch mua và bán. Giá mua vào đối với vàng SJC luôn thấp hơn so với giá bán ra trong khoảng 200.000 đồng/lượng. Vàng tại hệ thống Doji có chút biết động về giá mua vào nên tăng khoảng cách chênh lệch từ 80.000 đồng/lượng lên 100.000 đồng/lượng vào phiên cuối tuần.
Đại diện các công ty kinh doanh vàng, bạc trong nước cho biết, giá vàng đang mất đi tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Giá vàng ổn định nên quy mô của các giao dịch vàng chỉ duy trì ở mức nhỏ lẻ, lượng mua vào tương đương với lượng bán ra với chủ yếu các mặt hàng vàng trang sức.
Trong khi thị trường vàng trong nước không có nhiều biến động thì giá vàng trên thị trường thế giới tuần qua lại có mức tăng đột biến. Lần đầu tiên trong vòng 5 tháng qua, giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục 1.273 USD/oz. Điều này đã khiến chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp, từ mức trên 3 triệu đồng/lượng xuống còn 2,87 triệu đồng/lượng.
Điểm lại tuần qua giá vàng, vào đầu giờ sáng 3/4, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch quanh mốc 34,29 - 34,74 giảm 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu đang giao dịch tại 36,45 -36,50 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Đến ngày 4/4, giá vàng đồng loạt phát tín hiệu tăng trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Vàng thế mỗi ounce tăng gần 4 USD, lên 1.253 USD do nhà đầu tư lo ngại rủi ro địa chính trị. Trong khi vàng trong nước tăng mỗi lượng hàng trăm ngàn đồng. Giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch quanh mốc 34,22 - 34,67 tăng 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm 3/4. Vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch tại 36,48 -36,53 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 60.000 đồng/lượng so với chốt phiên 3/4.
Giá vàng quốc tế tăng trong khi vàng trong nước ngày 5/4 lại giảm nhẹ. Giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch quanh mốc 34,18 - 34,63 giảm 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó. Vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch 36,45 -36,50 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giảm 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên 4/4.
Trong phiên giao dịch ngày 6/4, giá vàng miếng niêm yết tại 36,44- 36,52 triệu đồng/lượng. Trong phiên giá vàng điều chỉnh giảm nhẹ và trở lại mức giá đầu ngày lúc chốt phiên. Lượng khách mua vàng vào chiếm 60% trên tổng số lượng giao dịch tại hệ thống Doji.
Đến phiên ngày 7/4, giá vàng bất ngờ giảm nhẹ trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục đi lên. Giá vàng miếng tại Hà Nội được Doji niêm yết ở mức 36,43 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,51 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên liền trước.