Theo kế hoạch, trong năm 2014 Chính phủ đầu tư Gia Lai gần 400 tỷ đồng để thực hiện các chính sách nhằm nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Chương trình 135 chiếm một phần lớn nguồn vốn với 274 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trình diễn công chiêng của dân tộc Jrai (Gia Lai) trong Lễ hội ăn trâu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Song hành với Chương trình 135 là các Chương trình định canh định cư, Quyết định 775/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt, Quyết định 102/QĐ-TTg về hỗ trợ đời sống cho các hộ nghèo ở khu vực II và III...
Hàng trăm ngàn người dân ở 245 buôn làng vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của Gia Lai sẽ được hưởng lợi từ các Chương trình và Quyết định này.
Ông Nguyễn Khoa Lai - Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho rằng, trong điều kiện kinh tế của cả nước còn nhiều khó khăn song với mức vốn đầu tư để thực hiện các chính sách dân tộc đã thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Cũng theo ông Lai, vấn đề đặt ra là các địa phương sử dụng nguồn vốn sao cho có hiệu quả, quá trình thi công các công trình, hạng mục công trình cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không những phải đảm bảo tiến độ và chất lượng mà còn phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào...
Ngay từ những tháng đầu năm 2014, tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị chức năng và các cấp chính quyền địa phương tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ giải ngân đến đâu tổ chức triển khai thực hiện đến đó. Tỉnh đặc biệt lưu ý các địa phương triển khai nguồn vốn 135 xây dựng cơ sở hạ tầng vì đang còn là mùa khô.
Các ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị tốt các loại giống cây trồng - vật nuôi để hỗ trợ kịp thời cho bà con trồng trong mùa mưa đạt hiệu quả, nhất là các loại cây trồng kinh tế như bời lời, cà phê...
Tỉnh chỉ đạo huyện Konchoro xúc tiến xây dựng điểm về công tác "xóa đói - giảm nghèo" bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình này không chỉ đơn thuần "xóa đói - giảm nghèo" bằng tăng năng lực sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa mà còn phải gắn liền với các hoạt động y tế, giáo dục... Từ mô hình điểm này, Gia Lai sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tế, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đó là có chính sách cụ thể về phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin miền núi, cung cấp trang thiết bị phục vụ chuyên môn, nhất là thiết bị nghe nhìn cho các trung tâm văn hoá xã, cụm xã và cụm truyền thông buôn làng.
Chính phủ cần xem xét tăng cường nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng những người có uy tín trong làng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các già làng, trưởng bản, trên cơ sở gắn trách nhiệm với cộng đồng.
Gia Lai hiện có 34 dân tộc với dân số gần 1,4 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm đến 45%, chủ yếu là 2 dân tộc bản địa Bahnar và J'rai.
Trong năm 2013, bằng các chương trình đầu tư của Chính phủ, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có kết quả các chính sách dân tộc, nhất là ở các vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 của tỉnh giảm xuống còn 17,6% và đang phấn đấu năm 2014 giảm xuống còn 14,7%.
Văn Thông