Làng Tung Chúc, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - quê hương của anh hùng A Sanh từng được biết đến bởi nghèo khổ và là điểm nóng của tình trạng vượt biên sang Campuchia. Nhưng giờ đây, cái nghèo, cái khổ, cái lạc hậu đã được đẩy lùi nhờ dân làng thay đổi tư duy và làm kinh tế giỏi. Làng "triệu phú” là tên gọi mới bởi sự giàu có của nhiều hộ nơi đây.
7 năm trước Tung Chúc đa phần là hộ nghèo đói nhưng giờ đây dọc 2km đường làng trải nhựa là những ngôi nhà mái Thái khang trang. Làng có 125 hộ với 474 nhân khẩu và 100% đều là người đồng bào dân tộc Ja Rai nhưng làng đã không còn hộ đói, nghèo, 30% hộ trung bình khá, còn lại 70% là hộ có kinh tế khá và giàu.
Những ngôi nhà khang trang đua nhau “mọc” lên trong làng Tung Chúc. Ảnh: baogialai.com.vn |
"Khoe" chiếc ô tô 7 chỗ vừa mua lại, anh Kso Tét, làng Tung Chúc, xã Ia Khai cười vui sướng: Mình và vợ làm công nhân cho Công ty cao su 715 - Binh đoàn 15 được hơn 5 năm. Mỗi tháng vợ chồng mình thu nhập được hơn 10 triệu đồng tiền làm công nhân. Ngoài ra, gia đình còn trồng 1 ha điều, 500 cây cà phê và gần 2 ha cây cao su, mỗi năm thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng.
Cũng là một trong những “đại gia” trong làng, sở hữu một chiếc ô tô 7 chỗ mới mua từ năm 2010 và một ngôi nhà mái Thái khang trang xây từ năm 1999, anh Ksor Uân chia sẻ: Từ ngày làm công nhân cho Công ty cao su 715 nhiều hộ có thu nhập ổn định. Các hộ còn trồng thêm cao su, cà phê cho thu nhập hàng năm cả trăm triệu. Gia đình mình cũng trồng được 2ha cao su, 5 ha điều, hàng năm đem về nguồn thu gần 500 triệu đồng.
Có được sự thay đổi như ngày hôm nay, bên cạnh sự tự lực vươn lên làm kinh tế của dân làng thì sự hỗ trợ của Công ty 715 - Binh đoàn 15 cũng là động lực lớn. Khi mà người dân đang loay hoay tìm cách thoát nghèo trên những mảnh đất đầy cây cỏ dại thì Công ty 715 đã tuyển chọn con em trong làng vào làm công nhân cạo mủ. Sau đó từng bước giao vườn và tập huấn kiến thức trồng trọt.
Con đường làng sạch đẹp bây giờ cũng có 2 tỷ đồng hỗ trợ của Công ty. Trường mẫu giáo khang trang mà con em trong làng đang theo học hàng ngày cũng được Công ty hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng. Chương trình gắn kết 86 hộ công nhân người Kinh với 86 hộ đồng bào trong làng Tung Chúc của Công ty 715 cũng đem lại những hiệu quả tích cực trong việc tạo điều kiện để các hộ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Đại úy Lê Ngọc Sơn, Cán bộ Chính trị phụ trách công tác dân vận của Công ty 715 cho biết: “Đời sống của dân làng đổi khác nhiều lắm, giờ nhiều gia đình đã có xe hơi, xe máy tay ga, nhà từ cấp 4 trở lên có giá trị từ 200 - 400 triệu đồng, 100% trẻ em được đến trường, không còn tình trạng vượt biên làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị.”
Quang Thái