Gia Lai: Phát triển mô hình trồng tiêu theo hướng bền vững

Những năm gần đây, hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực, mang lại lợi ích kinh tế cao của tỉnh Gia Lai. Nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã giàu lên nhờ loại cây trồng này. Do vậy, việc phát triển các mô hình trồng tiêu sạch đang được chính quyền các cấp và bà con đặc biệt quan tâm, nhằm hướng đến một loại cây trồng ổn định, bền vững. Trong đó, mô hình ICM - mô hình quản lý cây trồng tổng hợp hướng đến mục tiêu phát triển cây trồng bền vững, năng suất cao được bà con hưởng ứng sôi nổi nhất.


 

Hồ tiêu đã giúp cho đồng bào Gia Lai thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Mô hình ICM trên cây tiêu được triển khai từ năm 2009 tại 3 huyện trọng điểm tiêu của tỉnh là Chư Sê, Đăk Đoa và Chư Prông. Diện tích mỗi mô hình là 0,4 ha, trong đó 0,2 ha là mô hình áp dụng theo quy trình ICM và 0,2 ha được trồng đối chứng theo kinh nghiệm của nông dân. Nội dung chính của việc xây dựng mô hình ICM trên cây hồ tiêu là áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhằm quản lý tốt vườn hồ tiêu, kiểm soát sâu bệnh hại, ổn định năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiến sỹ Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên cho biết: Gia Lai là địa phương có phong trào trồng hồ tiêu khá mạnh, đã xây dựng nên thương hiệu hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng. Tuy nhiên, do bà con trên địa bàn chủ yếu phát triển cây tiêu theo hướng tự phát, nên nhiều diện tích tiêu xuất hiện dịch bệnh. Qua điều tra, gần như vườn tiêu nào cũng bị nhiễm bệnh tuyến trùng rễ. Muốn phát triển cây tiêu bền vững thì phải áp dụng mô hình sản xuất tiêu theo qui trình ViệtGap để giảm thiệt hại, đặc biệt kiểm soát và phòng trừ được các hội chứng chết nhanh (do nấm Phytopthora), chết chậm (do tuyến trùng, rệp sáp và nấm Fusarium).


Mô hình ICM được thực hiện trên cơ sở triển khai một loạt các giải pháp phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng vườn cây, trong đó chú trọng việc quản lý dinh dưỡng trên cây hồ tiêu, bao gồm quản lý cả về các loại phân bón, lượng phân bón và phương pháp bón. Đặc biệt chọn các thời điểm thích hợp để bón phân như thời điểm sau thu hoạch giúp cây phục hồi nhanh và kích thích phân hóa mầm hoa, thời điểm sau khi đậu quả làm tăng tỷ lệ quả đậu, trọng lượng nhân cũng như tạo cho quả bóng và đẹp. Anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Đoàn kết, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, cho biết: “Tham gia thực hiện dự án, gia đình tôi được viện nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tôi bón phân không quá nhiều và chia ra làm nhiều lần. Đầu mùa tôi bón và khi cây ra quả bón tiếp để tăng kali. Tôi thấy sản xuất theo hướng dẫn của Viện nghiên cứu rất hiệu quả và vườn tiêu của tôi kháng bệnh rất tốt, năng suất đạt cao bình quân 5 kg/trụ”.


Ngoài ra, giải pháp quản lý lượng nước tưới cho cây tiêu vùng dự án cũng rất được chú trọng với chu kỳ cụ thể. Lượng nước tưới trung bình khoảng 120 lít/trụ/lần tưới và 25 - 30 ngày tưới một lần. Như vậy, trong suốt mùa khô thì sẽ tưới khoảng 4 - 6 lần tùy thuộc vào loại đất, và vườn tiêu có cây che bóng chắn gió hay không. Bên cạnh đó, để giảm thoát hơi nước cho vườn tiêu trong mùa khô. Mô hình dự án đã sử dụng rơm rạ để ủ gốc với lượng 10 kg rơm rạ/gốc/mùa khô. Khi bắt đầu mùa mưa thì tiến hành dọn hết lớp rơm rạ mục để giảm độ ẩm cho gốc tiêu. Mô hình còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm hiện đại nhất. Công nghệ được cải tiến dựa trên công nghệ tưới nhỏ giọt của Ixraen và phương pháp tưới truyền thống của Việt Nam. Nước được dẫn đến từng trụ tiêu thông qua hệ thống ống chôn ngầm dưới đất. Lượng nước được điều chỉnh thông qua hệ thống van, vì vậy có thể quản lý tốt lượng nước tưới trên một đơn vị thời gian. Bên cạnh đó, phân hóa học cũng được cung cấp trực tiếp đến từng bộ rễ thông qua bơm phân tự động, tiết kiệm được công bón phân, chống thất thoát phân khi gặp nắng. Anh Nguyễn Quang, thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, cho biết: “Tôi thấy sử dụng hệ thống nước tưới này vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm công và cây tiêu khi nào cũng đủ độ ẩm. Với việc áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp chăm sóc của mô hình, vườn tiêu nhà tôi rất khoẻ mạnh và năng suất đạt cao, trái tiêu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng”.


Đối với giải pháp quản lý sâu bệnh hại, hồ tiêu rất mẫn cảm với nấm bệnh và thường bị thiệt hại nặng khi nấm bệnh bùng phát. Do vậy việc quản lý sâu bệnh hại phải tiến hành thường xuyên. Đặc biệt chỉ sử dụng thuốc hóa học khi sâu hại gây hại ở ngưỡng gây hại kinh tế. Việc quản lý tiểu khí hậu vườn tiêu cũng là một trong những nội dung quan trọng của dự án. Mô hình sử dụng cây keo dậu Cuba để trồng xen vào vườn tiêu che bóng mát, điều hòa tiểu khí hậu và phòng hộ sinh thái cho vườn tiêu. Sau 12 tháng, cây keo dậu sinh trưởng tốt và bắt đầu che mát cho vườn tiêu trong mùa nắng gay gắt của Gia Lai. Tiêu được che mát sinh trưởng khỏe, ít bệnh tật, năng suất được duy trì ổn định qua nhiều năm. Đây là một trong những phương thức canh tác giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững. Đối với trồng cây che phủ đất, mô hình đã sử dụng cây lạc dại. Cây lạc dại thuộc họ đậu nên có khả năng tổng hợp đạm cung cấp cho cây tiêu, đồng thời có thể làm thức ăn gia súc rất tốt và là nguồn phân xanh quý cho cây tiêu. Cây lạc dại còn có tác dụng làm giảm thoát hơi nước trong mùa nắng, tiết kiệm được lượng nước tưới. Thấy được lợi ích của cây lạc dại, rất nhiều bà con phấn khởi đưa cây lạc dại vào trồng trong vườn hồ tiêu nhà mình.


Qua 3 năm thực hiện, các vườn tiêu tham gia mô hình ICM đều phát triển rất tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ sâu bệnh chỉ dưới 5%, lượng nước tưới tiết kiệm từ 25 - 33% và lượng phân cũng tiết kiệm được từ 9 - 33% so với đối chứng. Vườn tiêu cho năng suất ổn định từ 4 - 5 kg tiêu khô/trụ và doanh thu đạt khoảng 500 - 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra các vườn tiêu của dự án còn tiết kiệm được từ 10 - 18% chi phí đầu vào và lợi nhuận theo đó tăng thêm từ 12 - 22 triệu đồng/ha.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN