Gia Lai: Ổn định đời sống người dân vùng chuyển đổi trồng cao su

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, từ năm 2008 đến nay tỉnh Gia Lai đã xúc tiến trồng mới được hơn 28.000 ha/50.000 ha, nâng tổng diện tích cao su hiện có trên địa bàn lên đến khoảng 102.000 ha. Hơn 95% diện tích cao su mới trồng trong vùng rừng nghèo đều phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.


Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chủ trương này tỉnh Gia Lai đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc và chưa đạt được mục tiêu của chương trình, dự án đề ra do các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án chưa thực sự quan tâm chăm lo đến đời sống cộng đồng dân cư trong vùng, lao động tại chỗ thiếu việc làm, có những nơi còn thiếu đất sản xuất...


Nhiều doanh nghiệp chưa "mặn mà" với lao động tại chỗ, các chế độ, chính sách (tiền lương, bảo hiểm xã hội, y tế...) cho người lao động thực hiện chưa kịp thời, cũng như chưa đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người lao động.


Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội trong vùng dự án của các doanh nghiệp tuy đã có nhiều cố gắng, song vẫn còn ở mức thấp và chưa thực hiện đúng cam kết. Các doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ các địa phương trong vùng dự án là 180 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện được 153 tỷ đồng.
Ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại trên, đảm bảo cuộc sống khu dân cư trong vùng chuyển đổi phát triển cây cao su.


Đồng thời tích cực vận động lao động tại chỗ tự nguyện tham gia vào làm công nhân cao su trong các doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng cam kết.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN