Tháng 7, việc liên tục các doanh nghiệp (DN) niêm yết báo cáo lỗ quý II/2012, cộng thêm thông tin không minh bạch của các “ông lớn” trên sàn chứng khoán khiến nhiều cổ phiếu bị bán ra ồ ạt, làm thị trường ngày càng giảm sâu. Đáng lo ngại, nhiều nhà đầu tư lỡ dùng đòn bẩy tài chính, giờ không có khả năng trả nợ vì thua lỗ.
Cổ phiếu “đại gia” cũng lỗ
Tiếp sau những cái tên như HLA, KLS, MHL, ORS, PHS, TNT công bố báo lỗ quý 2/2012, thị trường tuần qua lại đón nhận thêm hơn 30 doanh nghiệp khác báo cáo lỗ như CTCP Căn nhà mơ ước Cửu Long (mã SVS) với lỗ ròng 12 tỷ đồng; CTCP Công nghệ mạng & Truyền thông (mã CMT) lỗ 1,9 tỷ đồng; CTCP Viglacera Đông Triều (mã DTC) lỗ gần 21 tỷ đồng. Cạnh đó, còn có CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (mã TKC) và CTCP SXKD Dược và TBYT Việt Mỹ (mã AMC)… với mức lỗ dưới 1 tỷ đồng.
Một phiên giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. |
Không chỉ các cổ phiếu nhỏ, mà các cổ phiếu “đại gia” cũng báo cáo lỗ. Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (mã PVX) có mức lỗ tới 298,3 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã THV) công bố kết quả kinh doanh trong quý 2/2012 với số lợi nhuận gộp chỉ có 170 triệu đồng, nhưng chi phí lãi vay đến 15,9 tỉ đồng và lũy kế 6 tháng là 33,6 tỉ đồng. Như vậy, nợ phải trả của THV đến cuối quý 2 là trên 1.000 tỉ đồng, chiếm gần 78% tổng tài sản.
Trước những báo cáo lỗ liên tiếp của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường chứng khoán ngày càng ảm đạm, chìm trong sắc đỏ. Nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ nặng do trót “đặt cược” niềm tin thị trường sẽ khởi sắc trong quý II. Nhưng cuối quý 2, thị trường lại chuyển sang hoạt động cầm chừng và sụt giảm. Chị Thanh Hải - nhà đầu tư tại CTCK Phú Gia, buồn rầu cho biết chị mới bị thua lỗ gần 200 triệu đồng do dùng đòn bẩy tài chính.
Theo chị Hải, trước đó, do nghe lời môi giới nên đã vay gần 300 triệu đồng với lãi suất 0,068%/ngày để mua thêm các cổ phiếu được ký quỹ nhằm tăng lợi nhuận như IJC, KBC, THT, PVS, SSI, DHA, TDH..., nâng tổng số tiền đầu tư khoảng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, vài ngày sau đó thị trường giảm sâu, cổ phiếu đầu tư cũng liên tục rớt giá. Tiếc không cắt lỗ, chị vẫn ôm “hàng” chờ ngày cổ phiếu tăng trở lại. Đến nay, sau gần 2 tháng vay, lãi vẫn phải trả mà giá cổ phiếu đầu tư vẫn không phục hồi. CTCK thông báo nếu chị không cắt lỗ, công ty sẽ bán để giải chấp. Chạy ngược chạy xuôi không vay mượn được đủ tiền, chị đành phải chịu thua lỗ hơn 200 triệu đồng.
Sẽ còn nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thua lỗ
Theo dự báo của các chuyên gia chứng khoán, từ nay đến cuối năm, kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn, theo đó sẽ còn nhiều DN và nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ. Đặc biệt nếu các NĐT dùng đòn bẩy tài chính sẽ rất nguy hiểm. Nhất là khi nhiều doanh nghiệp cũng đến hạn trả nợ ngân hàng, chuyện bán tháo rất có thể xảy ra. Một khi số đông phải chịu sức ép bán ra để trả nợ ngân hàng thì sức ép sẽ đè nặng lên không chỉ các NĐT mà cả với các ngân hàng.
Thực tế cho thấy, hiện vẫn nhiều DN đang gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu, đầu ra cho doanh nghiệp; chi phí lãi vay tăng; số lượng doanh nghiệp niêm yết thua lỗ tăng hơn trước (cuối năm 2011 có 72 công ty thua lỗ, quý I/2012 là 113 công ty và quý 2 dự báo số lượng này sẽ tăng lên), chưa kể hơn 60 công ty chứng khoán thua lỗ.
TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, lo ngại: Nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường. Bởi khi thị trường giảm tính thanh khoản, nghĩa là niềm tin của các NĐT cũng bị giảm, doanh nghiệp khó có thể huy động vốn qua kênh thị trường chứng khoán.
Theo đó, để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường, giải pháp cần làm lúc này là các khoản đầu tư cần có lãi hoặc có thể đánh giá được. Vấn đề là công bố thông tin doanh nghiệp, quản trị công ty và các biện pháp bảo vệ cổ đông cần phải được đưa ra và thực thi một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, để cải thiện và nâng cao thanh khoản, Chính phủ cũng nên ban hành những chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Ngân hàng Nhà nước. Đây là giải pháp lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Hải Yên