Kỷ niệm ngày lâm nghiệp Việt Nam 28/11:

Gắn rừng với chế biến và thị trường

Nhân dịp kỉ niệm 54 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2013), phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hà Công Tuấn (ảnh), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về những giải pháp phát triển nghề rừng.

 

Thưa Thứ trưởng, Đảng và Nhà nước có những chính sách gì đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng?

 

Nhân dịp kỉ niệm 54 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2013), cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT xin trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của toàn xã hội, nhất là những người đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu cho sự nghiệp giữ gìn màu xanh của đất nước.

Trong suốt hơn 50 năm qua, nhất là từ khi đổi mới, các kỳ đại hội của Đảng đều dành những thời lượng thích đáng chỉ đạo phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và môi trường.

 

Hệ thống chính sách pháp luật về lâm nghiệp đến nay đã tương đối đầy đủ. Khởi nguồn từ năm 1972, chúng ta có Pháp lệnh quy định về bảo vệ rừng, sau đó là Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2004. Cùng với đó là một hệ thống các văn bản pháp quy và những chính sách đầu tư ngày càng cụ thể hóa, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của thế giới.

Đồng thời, trước những vấn đề bức xúc trong công tác bảo vệ rừng, Chính phủ, Quốc hội thường xuyên xem xét và chỉ đạo kịp thời; triển khai giải pháp xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.

 

Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng những năm gần đây?

 

Mặc dù còn nhiều bức xúc, nhưng có thể nói dòng chủ lưu là ngành lâm nghiệp đang phát triển, thể hiện rất rõ ở những kết quả cụ thể như: độ che phủ rừng tăng từ 28% năm 1991 lên 40% năm 2012. Nỗ lực này của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao.

Sản xuất lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Cách đây 10 năm, sản lượng gỗ cung cấp cho thị trường mới đạt 2 triệu m3, đến nay là 13 triệu m3. Đạt được kết quả trên là do chúng ta phát triển mạnh rừng trồng; trong khi đó vẫn đảm bảo giảm khai thác rừng tự nhiên từ 1 triệu m3 xuống 111.000 m3. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng lên nhanh chóng. Bình quân trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 15%/năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt trên 5 tỷ USD.

Chế biến gỗ tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

 

Bên cạnh đó, có những chuyển biến căn bản về quản lý, từ nền lâm nghiệp nhà nước với các lâm trường quốc doanh và các HTX lâm nghiệp sang xã hội hóa. Hiện nay, trên 3 triệu ha rừng đã được giao cho bà con nông dân. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại các lâm trường quốc doanh, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp. Đến nay, cơ cấu đầu tư cho lâm nghiệp khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó 75 % là đầu tư xã hội.

 

Ngành lâm nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vậy ngành sẽ đưa ra những giải pháp gì để vượt qua, thưa Thứ trưởng?

Chúng ta hiện có trên 16 triệu ha đất lâm nghiệp được quy hoạch, trong đó hơn 13 triệu ha là có rừng, hơn 3 triệu ha diện tích còn lại phải phát triển thành rừng trải dài ở cả đất liền và hải đảo. Trên diện tích đất lâm nghiệp có khoảng 20 triệu người dân sinh sống, hầu hết là những đối tượng khó khăn. Do vậy, tại những địa bàn này thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, trước những yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội, chúng ta phải chuyển một phần diện tích đất lâm nghiệp cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, thủy điện,… chúng tôi phải gọi đây là “đánh đổi”. Chúng ta phải tính toán rất kỹ, để làm sao giữ được đa dạng sinh học, nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Tình hình chung của ngành lâm nghiệp hiện nay là thiếu vốn; rất nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hiện mới chỉ nhận được 50 - 70% số vốn được duyệt. Công nghệ trong lâm nghiệp còn rất yếu, năng suất vào hàng thấp của thế giới, bình quân 75 m3/ha. Ngành đang cố gắng đưa năng suất rừng trồng lên 120 - 150 m3/ha năm 2020. Hiện nay, mặc dù xã hội đã có những chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, nhưng trước những yêu cầu cấp bách thì giữa mong muốn, hiểu biết và những hành động cụ thể đôi khi không tương đồng với nhau. Tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy đất trái pháp luật vẫn còn xảy ra, thậm chí có cả những cán bộ, công chức trong ngành lâm nghiệp cũng có những hành động tiếp tay, làm ngơ cho các đối tượng xấu.

Trước thực trạng này, rất cần những hành động chung của cả cộng đồng và cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Trong thời gian tới, ngành tập trung vào tái cơ cấu để nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất; nâng cao năng suất rừng trồng là rừng sản xuất; tổ chức lại hệ thống rừng gắn với chế biến và thị trường để nâng cao giá trị,...

 

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Khánh Trà (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN