Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án khác có tổng dư nợ đạt trên 166.000 tỷ đồng, với 8,4 triệu món vay của gần 7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 27 triệu đồng (trong khi bình quân chung tất cả các hộ là 25 triệu đồng/hộ).
Phiên giao dịch của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana (Đắk Lắk) tại xã Ea Na. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng chính sách cũng đã được đầu tư cho 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là ở các huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước làm quen với cơ chế thị trường.
Gia đình chị H’Nhi Adrơng, buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, là những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo. Mặt khác, ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã góp phần tích cực giúp cho bà con; trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay chưa hiệu quả; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn hiện hữu, không chịu làm ăn để trả nợ, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân tạo được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng các chính sách bền vững hơn trong tiêu thụ sản phẩm.