Đây sẽ là cơ hội lớn tăng thêm thị phần cho các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Âu - một thị trường rộng và hấp dẫn, gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, với sự chuẩn bị tương đối tốt, các doanh nghiệp Việt đã có sự hiểu biết nhất định nên việc tận dụng các cơ hội và hóa giải các thách thức đều không vượt ngoài khả năng.
Tuy nhiên, theo các cam kết của EVFTA, các mặt hàng đều có những quy tắc khác nhau về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ... cùng các quy định trong thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hay việc kiểm soát chặt chẽ hơn về lao động, môi trường, chất lượng... của Liên minh châu Âu nên sẽ là những khó khăn để tuân thủ.
Thực tế cho thấy, qua tiếp xúc, trao đổi với một số doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu nông sản, hoa quả... đang có ưu thế và cơ hội để mở thị trường sang các nước EU nhờ vào EVFTA, bà Trang cho biết.
“Nếu như thị trường Mỹ, Australia có cách quản lý hàng nông sản nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện cho từng loại rau quả, đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và cả sự vào cuộc của các bộ, ngành, thì EU đưa ra và công khai các điều kiện, tiêu chuẩn... cho toàn bộ sản phẩm nông sản. Nghĩa là, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trả lời câu hỏi có muốn xuất khẩu sang EU không và sẽ biết ngay cách làm thế nào để đáp ứng các điều kiện đó. Điều kiện khó, nhưng minh bạch là một thuận lợi, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tìm kiếm các thị trường mới khi thị trường truyền thống và dễ tính là Trung Quốc đang gặp khó. Không phải đối tác nào của Việt Nam cũng có được điều này”, bà Trang bình luận.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo EVFTA, một số nhóm hàng hóa sẽ được mở cửa thị trường bằng cách giảm thuế như thủy sản, gạo, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi hay lâm sản. Theo đó, khi EVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế với các mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), 50% số dòng thuế còn lại sẽ có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm sau đó.
Riêng với cá da trơn sẽ áp dụng mức thuế giảm từ 6,8% hiện nay về 0% vào năm thứ 3. Đối với các mặt hàng như rau quả sẽ có 520/556 dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 85,6% dòng thuế áp dụng cho rau quả chế biến cũng sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; 93% dòng thuế đối với cà phê, hạt tiêu cũng sẽ về 0%, riêng mặt hàng điều sẽ hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Xuất khẩu gạo sẽ có nhiều lợi thế khi EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm; thuế trong hạn ngạch là 0%; gạo tấm sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên được xóa bỏ thuế ngay. Một số ít mặt hàng nông sản nhạy cảm không được miễn thuế hoàn toàn nhưng chỉ áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) như: ngô ngọt, tỏi, nấm hương, đường và các sản phẩm có hàm lượng đường cao, tinh bột sắn.
Riêng về chăn nuôi, sẽ có 59,95% dòng thuế đối với các mặt hàng sản phẩm động vật sống sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Cơ bản áp dụng thuế 0% với nhóm thịt trâu bò tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế trong vòng 7 năm.
Để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành trong xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước EU, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu.