Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc củng cố quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới, tăng dầy và dịch chuyển các đồn biên phòng ra sát đường biên, củng cố phát triển, mở rộng các khu kinh tế quốc phòng làm chỗ dựa để đưa dân ra sát biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên các vùng biên giới, trung tuần tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 313/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới (ĐTTBG) đất liền trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý Dự án 47, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cho biết: Đề án Quy hoạch chi tiết xây dựng ĐTTBG giai đoạn 2011-2015 được triển khai trên địa bàn 17 tỉnh biên giới đất liền, bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Trước đó, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng ĐTTBG giai đoạn 2006 – 2010 trên địa bàn 20 tỉnh, với chiều dài 2.070 km và được chia thành 56 dự án.
Tuyến đường tuần tra biên giới tại Điện Biên. |
Về nghỉ phép sau những tháng ngày trực tiếp thi công tuyến ĐTTBG tại Gia Lai, Thiếu tá Lâm Thế Huỳnh, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 276, Trung đoàn 550 (Quân đoàn 4), cho biết: Là đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đoàn 276 còn trực tiếp thi công 5,3 km ĐTTBG đoạn từ nam sông Yađrăng đến cao điểm 383, thuộc địa bàn xã Yapuk, huyện Chưprông (Gia Lai). Tuyến đường được khởi công từ 16/4/2010, nhưng do địa hình phức tạp, phải vượt qua hai đỉnh núi cao 400 - 500 m so với mực nước biển nên công tác vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn. Để đưa được vật liệu đến chân công trình, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn phải vận chuyển qua quãng đường dài hơn 80 km đường núi, giá vật tư, vật liệu tăng gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Nhưng với trách nhiệm của người lính, các chiến sĩ Tiểu đoàn 276 đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nổ mìn phá đá xử lý hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm chất lượng công trình. Đến đầu tháng 1/2012, đơn vị đã đổ bê tông mặt đường gần 3 km, xây dựng 35 cống thoát nước và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trong tháng 4/2012 (về đích trước một năm).
Đây chỉ là một trong hàng trăm gói thầu mà các đơn vị trong và ngoài quân đội đang thi công ĐTTBG trên địa bàn 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai được 53/56 dự án với tổng chiều dài 2.042/2.070 km, trong đó 32 dự án có tổng chiều dài 1.542 km theo tiêu chuẩn ĐTTBG. Sau khi hoàn thành, hệ thống ĐTTBG sẽ thông được hai tuyến: Tuyến một từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) đến cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) dài khoảng 215 km, tuyến hai từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Gia Lai dài khoảng 550 km. Sau 4 năm triển khai xây dựng, dự án đã hoàn thành về thiết kế cơ bản, phấn đấu đến năm 2013 sẽ hoàn thành 2.042 km.
Dự án ĐTTBG được triển khai phù hợp với tình hình thực tế gắn kết với hệ thống đường giao thông trong khu vực, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn ở khu vực biên giới, vành đai biên giới. Đường dọc biên cơ bản được xây dựng trong phạm vi từ đường biên giới quốc gia trở vào dưới 1.000 m; quy mô được xây dựng theo tiêu chuẩn quy định: Nền đường rộng 5,5 m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5 m, công trình trên đường được xây dựng vĩnh cửu.