Đưa vốn đến đồng bào Khmer

Thời gian qua, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh… trên địa bàn Hậu Giang đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu. Nhiều hộ chăn nuôi heo, trăn, đào ao thả cá kết hợp trồng cây ăn trái cho thu nhập cao đang là những mô hình điểm để các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng đồng bằng sông Cửu Long học tập.

Phát huy hiệu quả vốn vay


Giữa trưa nắng, chúng tôi len lỏi qua những khóm chuối trĩu quả được trồng trên bờ kênh xanh để ra tham quan mô hình gia trại của gia đình anh Hùng Thiêng dân tộc Khmer, ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy. Nhờ có nguồn vốn vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vị Thủy, anh Hùng Thiêng và vợ là Thạch Thị Hoa Ly đã có được khu vườn, ao và 4 công ruộng xanh tốt cây trái.

Hộ nghèo và đối tượng chính sách làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Anh Hùng Thiêng cho biết, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, vợ chồng anh đã đào được 5.200 m2 ao thả cá chép, cá giò; trên bờ ao anh trồng 110 gốc đu đủ lai, chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài ra, vợ chồng anh còn làm 4 công ruộng (một công là 1.300 m2) mỗi năm cho thu hoạch từ cá, lúa, cây ăn quả… 15-20 triệu đồng. So với nhiều nơi trong huyện Vị Thủy, nguồn thu này chưa phải là cao nhưng đó cũng là khoản thu có giá trị, bởi nó đã làm thay đổi tư duy và cách làm ăn manh mún của nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trong xã Vĩnh Trung.

Khác với gia đình anh Hùng Thiêng, vợ chồng ông Danh Cẩn, khu vực 1, phường 4, thành phố Vị Thanh lại chọn mô hình chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, ông Danh Cẩn được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo về làm chuồng trại phát triển chăn nuôi và mua 4 con heo làm giống. Sau đó, ông Danh Cẩn mở rộng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi để nhân rộng tổng đàn và đến nay trong chuồng của gia đình ông lúc nào cũng có trên 20 con heo nái. Theo ông Cẩn, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng trên 1 tấn heo thu lãi hơn 30 triệu đồng. Gia đình ông Cẩn còn làm 40 công ruộng, mỗi năm cấy 3 vụ nên cũng có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Hiện nay gia đình ông Cẩn mong muốn vay thêm 500 triệu đồng nữa để mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất và làm công giúp các hộ thu hoạch lúa vào mùa vụ trên địa bàn. Ông Danh Cẩn cho biết: “Nếu chỉ nhìn vào chương trình cho vay hộ nghèo thì kinh phí này không thể làm ăn lớn mà muốn làm ăn lớn thì phải có vốn”. Theo ông Nguyễn Văn Còn, Tổ trưởng tổ vay vốn thì khu vực 1, phường 4, thành phố Vị Thanh hiện có 55 hộ vay vốn của NHCSXH phát triển chăn nuôi heo, vịt chạy đồng; trong đó có 19 hộ là đồng bào dân tộc Khmer.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Vị Thủy cho biết: Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH Vị Thủy đã triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của huyện. Trong công tác thực hiện nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh NHCSXH Vị Thủy đã tăng cường tổ chức giải ngân nhanh chóng; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ giao dịch lưu động, chất lượng hoạt động của hội đoàn thể nhận ủy thác. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững.

Gia đình bà Thị Vượng, dân tộc Khmer, ở phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang vay ưu đãi chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư nuôi lợn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Nhằm tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, các chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và phối hợp hội đoàn thể triển khai thực hiện chương trình thông tin tín dụng ủy thác ba cấp có thể tổng hợp và theo dõi tình hình chất lượng tín dụng ủy thác, chi tiết đến từng hộ vay, giúp hội đoàn thể cấp xã thực hiện giao chỉ tiêu và kiểm soát, đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH Hậu Giang, sáu tháng đầu năm 2015, hơn 54.000 lượt khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh được vay vốn với tổng số tiền gần 351.500 triệu đồng, tăng 126.414 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó cho vay hộ cận nghèo gần 162 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 50 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo trên 59 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn gần 47.200 triệu đồng, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gần 12.600 triệu đồng và cho vay giải quyết việc làm gần 10 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng dư nợ đến 30/6 có 5 chương trình tín dụng có dư nợ lớn, chiếm 87,48% tổng dư nợ; đó là cho vay hộ nghèo chiếm 24,58%, cho vay hộ cận nghèo chiếm 19,17%, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm 16,86%, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 15,95% và cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm 10,92%.

Ông Nguyễn Thanh Triều cũng cho rằng, mặc dù trong thời gian qua chi nhánh NHCSXH Hậu Giang đã được trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn kịp thời, nhưng nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất của các đối tượng thụ hưởng do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách của tỉnh còn cao so với khu vực. Mức vay thấp (mức vay bình quân hộ nghèo mới đạt trên 10 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo trên 15 triệu đồng/hộ) nên chưa phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn vay. Chất lượng tín dụng tuy đã được cải thiện nhưng rủi ro tiềm ẩn còn cao, khối lượng nợ đến hạn các chương trình tín dụng rất lớn (nhất là chương trình học sinh sinh viên, hộ dân tộc thiểu số nghèo ĐBSCL, nhà vượt lũ ĐBSCL…).

 Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương tuy có quan tâm chỉ đạo nhưng chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên và người thân của cán bộ đảng viên còn nợ đọng làm ảnh hưởng đến ý thức trả nợ của người dân. Công tác kiểm tra, giám sát của ngân hàng và các hội đoàn thể tuy có triển khai nhưng chưa bao quát, toàn diện; nhất là công tác kiểm tra, đối chiếu tại tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay vốn. Tình trạng chiếm dụng, vay ké vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tuy có triển khai nhưng chưa được sâu rộng. Số tiền gửi tiết kiệm hàng tháng và tỷ lệ tổ viên có gửi tiền tiết kiệm còn thấp. Số dư tích lũy thấp do hộ vay chủ động chuyển qua trả nợ gốc.

Để hoàn thành tối thiểu 98 - 100% kế hoạch dư nợ được giao năm 2015, từ nay đến cuối năm, NHCSXH Hậu Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của phòng giao dịch và toàn chi nhánh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm. Trong đó ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa bàn các xã, ấp (khu vực) có chất lượng còn thấp (tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh trên 1%). Nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch ở xã…
V.T
Sốp Cộp phấn đấu thoát nghèo
Sốp Cộp phấn đấu thoát nghèo

Đảng bộ huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã đề ra 17 chỉ tiêu cơ bản nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biên giới phía tây Tổ quốc, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%/năm, sớm thoát khỏi huyện nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN