Xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) diện tích đất đồi chiếm 73%, đất canh tác lúa nước và trồng màu chỉ có 6%, chưa từng có nghề trồng dâu, nuôi tằm quả là việc làm xa vời. Nhưng trước tình trạng diện tích đất canh tác lúa nước ngày càng bị thu hẹp, ông Lò Văn Mậu đã đi tham quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Nhận thấy xã mình cũng có thể trồng dâu, nên ông quyết định đưa giống dâu tằm về trồng thử nghiệm. Ban đầu, ông sử dụng 3/4 tổng diện tích 4.000 m2 đất ruộng của gia đình để trồng dâu, đồng thời làm nhà nuôi tằm với diện tích 50 m2, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi, ông Mậu đúc rút được nhiều kinh nghiệm và nhận thấy việc nuôi gối sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cách làm này vừa giúp tăng năng suất, vừa quay vòng được nguồn lá dâu, bảo đảm cung cấp đủ thức ăn cho 2 lứa tằm.
Trong nuôi tằm, quan trọng nhất là xử lý môi trường nuôi ở nhà tằm bởi tằm dâu rất mẫn cảm với các điều kiện sống quanh nó như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…
Sau mỗi lứa tằm phải thực hiện vệ sinh triệt để kể cả dụng cụ nuôi tằm rồi mới nuôi lứa mới, có như vậy tằm mới sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi, phải có người thường xuyên hái lá cho tằm ăn ngày đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng.
Để nâng cao năng suất, ông Mậu tiếp tục cải tạo đất, nâng diện tích trồng dâu lên 9.000 m2 và cũng đẩy lên nuôi 3 - 4 vòng tằm/lứa, duy trì 2 lứa/tháng; bình quân thu được khoảng 100 kg kén. Như vậy, trừ chi phí một tháng gia đình ông Mậu thu về gần 10 triệu đồng.