Đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới Dân chủ xã hội được mở rộng

Trong những năm vừa qua, công tác dân vận của Đảng được tăng cường đổi mới tương đối toàn diện, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, phù hợp cho từng đối tượng, từng lĩnh vực.

 

Thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chính sách với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số...

 

Dân chủ xã hội được mở rộng hơn thông qua mở rộng dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đã tạo được sự đồng thuận xã hội, nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng; phát huy được sức mạnh của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân vận cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn có nhiều thay đổi trong quá trình đổi mới đặt ra. Đó là chậm cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị còn thiếu chặt chẽ. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận ở nhiều nơi bị coi nhẹ. Nhiều nơi còn ỷ lại vào bộ máy hành chính và các giải pháp hành chính, coi nhẹ giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân.


Ở một số nơi, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhân dân ở cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không nắm được tình hình nhân dân, không đủ sức tuyên truyền, vận động giải quyết những bức xúc của nhân dân. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chậm đổi mới, còn hành chính hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

 

5 bài học kinh nghiệm về công tác dân vận


Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, thấy hết những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã xác định mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, tổng kết quá trình cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh chính trị (năm 2011) của Đảng đã rút ra 5 bài học, trong đó có bài học: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử; toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng. Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.


Chính vì vậy, phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới để củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản về công tác dân vận của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết 8B ngày 27/3/1990, công tác dân vận đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết cần phải bổ sung, hoàn thiện những quan điểm mới cho phù hợp với tình hình mới như sau:


1 - Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dân là chủ, dân làm chủ.

 

2 - Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân.

 

3 - Công tác dân vận là một trong những nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, phải đi đôi với xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước phải vì dân, phải từ dân mà ra; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng noi theo. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn những năm đổi mới vừa qua, có một số chủ trương, cơ chế chính sách, một số quyết định khi ban hành chưa được nhân dân đồng tình cao. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh quan liêu, không sát dân, không sát thực tiễn, không nắm được tâm tư nguyện vọng của dân. Quy trình, cách soạn thảo thiếu phương pháp, cơ chế lấy ý kiến tham gia phản biện của nhân dân.

 

4 - Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện chủ yếu, mặt trận, đoàn thể có vai trò quan trọng, nhân dân quyết định.

 

5 - Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng, khoa học, hiệu quả và phải được Nhà nước thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN