Theo ông K.Balasingam, Tổng giám đốc Viện Nhân lực ngân hàng tài chính (BTCI), hiện chỉ 30% DN nhỏ và vừa (DNNVV) được tiếp cận vốn ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao. Chỉ hơn 30% DNNVV tiếp cận được vốnTại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015” do Viện Nhân lực ngân hàng tài chính BTCI và Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý CFVG tổ chức ngày 18/11, ông K.Balasingam cho rằng: Các DNNVV Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn đầy thử thách do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong một thời gian dài; nhiều DN phải ngừng hoạt động và đặc biệt là vẫn khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và dòng tiền.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng MHB. |
Theo khảo sát gần đây của Viện Khoa học quản trị DNNVV (SISME), chỉ có khoảng 32,38% DN có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; 35,24% phản ánh là khó vay; số còn lại cho biết không thể tiếp cận được. Trong khi đó, đối với các kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động thì phần lớn các DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
Ông Phạm Ngọc Long - Viện trưởng SISME cho biết: Cả nước có khoảng 500.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế. Theo Viện trưởng SISME, có 3 yếu tố khiến DNNVV gặp khó khăn trong tín dụng: Thứ nhất, tỷ lệ tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, tài sản đảm bảo vay khó khăn. Thứ hai, tỷ lệ tiếp cận và được bảo lãnh rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao. Cụ thể, tỷ lệ DNNVV được bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh. Thứ ba, tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi vay còn chậm.
Tuy nhiên, phía SISME cũng đưa ra các nguyên nhân trực tiếp từ phía ngân hàng khiến DNNVV khó vay vốn như: Một số NHTM quá thận trọng, co cụm, có phần bảo thủ và e ngại “hình sự hóa” trong hoạt động tín dụng; thủ tục, điều kiện tín dụng mới “siết chặt”, gây nên phức tạp và quá sức đối với DN; chính sách tín dụng của nhiều NHTM hiện còn quá thiên về khách hàng “truyền thống”, khách hàng quan trọng nên thường xem nhẹ và “làm ngơ” DN mới khởi nghiệp.
“Ngoài ra, mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của DN, gánh nặng lãi suất nợ cũ cao chưa được miễn giảm phù hợp; sự phối hợp về chính sách hỗ trợ phát triển của DNNVV giữa các bộ, ngành còn chưa ăn khớp, thiếu đồng bộ. Hoạt động trợ giúp phát triển khu vực DNNVV từ nhiều phía trung ương, địa phương còn chưa hiệu quả”, ông Long cho biết thêm.
Ưu tiên DN có phương án kinh doanh khả thi Chính sách mới về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là một trong những giải pháp quan trọng để giúp tháo gỡ khó khăn về vốn của DN. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng DN, chính sách này mặc dù được Chính phủ ban hành lâu nhưng vào cuộc sống còn rất chậm.
Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, cần đẩy mạnh thực thi chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN. “Nếu DN không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có phương án kinh doanh khả thi thì ngân hàng cũng nên tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Nam đề xuất.
Để DNNVV tiếp cận vốn dễ hơn, ông Trần Trung Kiên - Phó Giám đốc khối Khách hàng DN phụ trách miền Bắc, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cho rằng: Các chủ DN nên nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính của DN; nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh; cởi mở với ngân hàng các thông tin về DN và chủ DN. Ngoài ra, còn cần có sự cam kết của chủ DN trong việc thực hiện các phương án kinh doanh và vay vốn...
Hiện nay, trong bối cảnh cung tín dụng đang thuận lợi, nhiều ngân hàng cũng đã cam kết sẽ đẩy mạnh tiếp cận DN để hỗ trợ tín dụng. Đại diện Ngân hàng MHB cho biết: Từ đầu năm tới nay, MHB đã triển khai rất nhiều chương trình cho vay hỗ trợ DN như: Gói tín dụng 13.000 tỷ đồng cho 13 chi nhánh MHB ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, mỗi tỉnh khu vực ĐBSCL sẽ được MHB dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay đối với các DN có các dự án tốt.
Theo MHB, các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai đồng loạt từ đầu năm vẫn được tiếp tục duy trì như: Gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất 8% dành cho hộ gia đình kinh doanh, và DN vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động; gói tín dụng ưu đãi dành cho tiểu thương với lãi suất 7,5%/năm; tiếp tục cho vay hỗ trợ tiểu thương chợ và cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh; cho vay hỗ trợ vốn ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho 5 nhóm đối tượng dành cho chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra, tôm... “Tính đến thời điểm này MHB đã hoàn thành gần 95% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do NHNN giao. Nhu cầu về vốn vay của DN từ nay đến cuối năm có thể tăng cao”, lãnh đạo MHB nói.
Không ít lãnh đạo ngân hàng cho rằng: Để thúc đẩy hoạt động tín dụng của DN, vai trò hỗ trợ, bảo lãnh của các hiệp hội ngành nghề, các địa phương cũng rất quan trọng. Hiệp hội là nơi phải hiểu DN nhưng hiện nay vai trò của hiệp hội chỉ kiến nghị các chính sách có lợi cho DN thành viên, trong đó có các vấn đề về tín dụng.
Minh Phương