Doanh nghiệp “cắn răng” chịu giá gas cao

Kể từ đầu tháng 12, giá gas đã tăng thêm từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg. Điều này đã khiến không ít hộ gia đình chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu và năng lượng khác như điện, than… thay cho gas. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp sử dụng gas là nhiên liệu chính để sản xuất, họ không có lựa chọn nào khác là phải “cắn răng” chịu đựng và chờ giá xuống.


Người tiêu dùng chịu thiệt


Khảo sát của phóng viên TTXVN trong ngày 5/12 cho thấy, tại thị trường Hà Nội, giá gas của Petrolimex ở mức 475.000 đồng/bình 12 kg, giá gas của hãng Shell là 460.000 đồng. So với ngày 1/12, giá gas đã giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/bình 12 kg. Giải thích lý do giá gas giảm sau khi tăng đột biến, nhân viên cửa hàng gas Hùng Anh ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, cho biết: Do cửa hàng nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty cung cấp nên đã giảm giá để cạnh tranh với những cửa hàng gas khác.

 

Giá gas tăng đang tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lê Phú


Việc giá gas tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của nhiều hộ gia đình và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng gas làm nhiên liệu chính.


Với thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thu Hiền ở Tôn Đức Thắng không khỏi lo lắng khi giá gas tăng. Theo chị Hiền, đây đang là thời điểm cuối năm, giá gas tăng cao sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo. “Giá cả mỗi lúc một tăng trong khi thu nhập vẫn chỉ có vậy càng làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Năm mới sắp đến, gia đình còn phải lo toan, mua sắm nhiều thứ, nhưng với tình hình này chắc mình phải cắt giảm nhiều”, chị Hiền chia sẻ.


Trước mắt, để ứng phó với việc giá gas tăng, chị Hiền đã mua bếp hồng ngoại để sử dụng thay thế cho bếp gas. Chị tính toán, việc thay đổi này sẽ giúp tiết kiệm tới 200.000 đồng/tháng so với sử dụng gas.


Cũng như chị Hiền, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng ăn trên phố Xã Đàn cũng rất bức xúc trước việc giá gas tăng đột biến. Trước đây, chị chỉ phải trả hơn 400.000 đồng/bình gas nhưng nay đã phải bỏ ra gần 500.000 đồng. Trung bình một tháng, cửa hàng của chị dùng hết khoảng 20 bình gas. Như vậy, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng.


“Giá gas tăng cao, tính chuyển sang dùng than nhưng thấy nhiều bất tiện nên đành bớt lãi để tiếp tục sử dụng chờ giá xuống”, chị Hoa nói.


Đối với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Phú Vinh, chia sẻ, trong giá thành các sản phẩm gốm sứ, giá gas chiếm tới 40%. Đây là nhiên liệu chính trong quá trình sản xuất và nung đốt. Do vậy, các công ty trong ngành sẽ phải tính đến việc tăng giá thành sản phẩm từ 10 - 15%.


“Tuy nhiên, khó khăn của các công ty là không thể áp mức giá mới cho những đơn hàng đã ký kết từ trước. Nếu giữ giá bán cũ thì công ty sẽ phải tốn thêm mỗi tháng từ 40 - 50 triệu đồng do chi phí gas tăng”, ông Hải bày tỏ.


Cửa hàng gas ế khách


Giá gas tăng, tưởng chừng những cửa hàng kinh doanh mặt hàng này sẽ “ăn nên làm ra” thế nhưng nhiều cửa hàng lại than phiền vì sức mua sụt giảm. Anh Nguyễn Văn Minh, chủ cửa hàng gas trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), cho biết, từ khi giá gas tăng cao, lượng tiêu thụ gas giảm mạnh.


“Nếu như tháng trước, bình quân mỗi ngày cửa hàng bán được từ 20 - 25 bình gas thì nay chỉ khoảng 15 bình. Riêng bếp gas thì gần như không tiêu thụ được do người tiêu dùng chuyển hướng sang những thiết bị khác thay thế cho bếp gas”, anh Minh than thở.


Trước nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp găm hàng chờ giá tăng để trục lợi, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, khẳng định: “Nếu nói việc tăng giá lần này có lợi cho doanh nghiệp hay bộ phận doanh nghiệp nào đó là không đúng. Xét ở góc độ thị trường, một số cửa hàng, đại lý có thể tích trữ, om hàng chờ giá tăng để trục lợi nhưng sẽ không được nhiều”.


Theo ông Thắng, hiện nay, các kho dự trữ kinh doanh gas trong nước chỉ tồn trữ khoảng từ 3 - 7 ngày. Khi giá gas tăng, trong khoảng thời gian này các cửa hàng, đại lý này sẽ được lợi do còn lượng tồn kho. Tuy nhiên, khi giá gas giảm, những cửa hàng, đại lý này cũng sẽ phải chịu thiệt.


Cần cơ chế quản lý mới


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, việc tăng giá gas thêm 80.000 đồng/bình 12 kg như hiện nay là quá cao, nhất là trong vòng chưa đầy 2 tháng giá gas đã tăng gần 100.000 đồng/bình.


Theo ông Hùng, giá gas, giá dầu phải gắn liền với lượng hàng dự trữ bắt buộc trong khoảng thời gian nhất định. Việc điều chỉnh giá sau bao nhiêu ngày cũng phải được quy định trước. Giá gas bán ra trong ngày 1/12 vẫn là gas nhập trong tháng 11 nên việc tăng giá ngay vào đầu tháng 12 là không “sòng phẳng” với người tiêu dùng.


Ông Hùng khuyến nghị người tiêu dùng trước hết nên tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt để tiết kiệm chi phí lâu dài và bền vững.


Việt Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN