Ngày 4/3, UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận nghệ thuật xòe (the) của đồng bào Tày, xã Tà Chải là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Bằng công nhận xã Tà Chải đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Người Bắc Hà có câu “Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải”.
Một điệu xòe của đồng bào Tày ở Tả Chải, Bắc Hà, Lào Cai. |
Xã Tà Chải và Na Hối nằm ngay sát thị trấn du lịch Bắc Hà, có 9 thôn bản, chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống. Người Tày ở Tà Chải và Na Hối vốn nổi tiếng với các điệu xòe độc đáo, nhưng khi hỏi nghệ thuật xòe có từ bao giờ thì chẳng ai có thể trả lời được.
Nghệ nhân Lâm Văn Sủn (Tà Chải) cho biết: "Xưa kia, múa xòe là để phục vụ cho gia đình thổ ty Hoàng A Tưởng giàu có và quyền thế nhất vùng núi Bắc Hà". Ngày nay, múa xòe là hoạt động không thể thiếu trong các lễ hội ở Tà Chải và Na Hối.
Đặc biệt, hội xòe Tà Chải thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà, mọi người dồi dào sức khỏe. Ở Tà Chải, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết vài điệu xòe.
Du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Pháp du lịch tại Bắc Hà đều rất thích thú và ngỡ ngàng khi được thưởng thức nghệ thuật xòe do các nghệ nhân biểu diễn.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai: "Xòe Tà Chải ở Bắc Hà là sự giao thoa, tiếp biến với điệu valse của Pháp. Khi người Pháp lên xây dựng những đội xòe cho dinh Hoàng A Tưởng, họ đã vô tình mang theo những nhịp của điệu valse vào xòe. Chính điều này đã trở thành nét riêng, mang hơi thở riêng của điệu xòe người Tày nơi đây”.
Ông Vàng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tà Chải, cho biết: Để bảo tồn và phát huy vốn xòe truyền thống, xã chủ trương dựa vào dân, xây dựng và duy trì các đội xòe tại các thôn bản, dòng họ, cụm dân cư.
UBND xã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa xòe gắn với phát triển du lịch cộng đồng, coi đó là một trong những giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Giữ gìn bản sắc văn hóa điệu xòe, đồng thời là cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch cộng đồng. |
Đến nay, Tà Chải có năm đội xòe ở các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang và Na Hô, mỗi đội thường có từ 12 - 15 nghệ nhân nòng cốt, tập luyện vào lúc nông nhàn tại nhà văn hóa hoặc nhà trưởng thôn.
Một cách làm rất hay của Tà Chải là đưa xòe vào trường học với mong muốn "phổ cập" điệu múa xòe trong học sinh, từ đó tạo nền tảng và những hạt nhân trong các đội xòe thôn, đội văn nghệ xã.
Thực hiện đề án "Bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, phục vụ phát triển du lịch" ở Bắc Hà, đến nay, toàn huyện có hơn 30 đội văn nghệ, đội xòe ở các xã, thôn bản. Không chỉ có Tà Chải, điệu múa xòe đã lan rộng sang các xã Na Hối, Lầu Thí Ngài, Nậm Khánh...".
Trong tương lai, di sản văn hóa của người Tày sẽ trở thành một thế mạnh du lịch, quyến rũ du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa trên cao nguyên trắng thơ mộng Bắc Hà.
Hương Thu