Bập bùng những vòng xòe Tây Bắc

Múa xòe từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

2013 diễn viên quần chúng thị xã Nghĩa Lộ trình diễn màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Múa xòe có từ bao giờ không ai nhớ nổi, chỉ biết từ xa xưa, người Thái vùng cánh đồng Mường Lò (Yên Bái) đã có câu hát: “Không xòe không vui/Không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”. Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của đồng bào Thái đất này có thể vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay lễ lớn của cả bản cả làng. "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...".


Nghệ nhân Lò Văn Biến, người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa đồng bào Thái Tây Bắc lý giải, do sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái Mường Lò lại nắm tay nhau quanh đống lửa, nhảy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành từ đó. Nhiều điệu nhảy trong múa xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, từ việc khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… đến những ước mơ, khát vọng của đồng bào. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết, hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý… vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ đón mừng, thể hiện tình đoàn kết, những mong mỏi con người xích lại gần nhau trong cuộc sống.


Địa điểm tổ chức múa xòe vòng có thể là ở sân nhà, trên sân khấu, dưới gốc cây hoặc trên sân bãi. Những người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Sau những ngày lao động vất vả, đêm đêm dưới anh trăng, bên đống lửa bập bùng, trong tiếng trống, tiếng khèn mời gọi, mọi người đến quây quần cùng nắm tay nhau quay vòng trong điệu xòe hoa, để rồi sau hội xòe, mọi người lại vui vẻ trở về với cuộc sống đời thường.


Trong văn hóa người Thái, múa xòe còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, nên dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, múa xòe vẫn được các thế hệ nối tiếp lưu truyền.


Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, nhắc đến xòe Thái, phải nói tới 6 điệu xòe cổ. Những điệu xòe cổ này được các nghệ nhân coi là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay. Theo lời nghệ nhân Lò Văn Biến, không chỉ khác nhau về thế chân, thế tay, mà nhạc cụ dùng cho mỗi điệu xòe cũng khác nhau. Với những điệu “Khắm khăn mơi lẩu”, “Đổn hôn”, “Nhôm khăn”, “Phá xí” các thế chân và tay uyển chuyển nhẹ nhàng nên nhạc cụ thường chỉ dùng khèn, với những giai điệu bay bổng, tình tứ. Còn với những điệu “Khắm khen”, “Ỏm lọm tốp mư” thì có thể dùng tất cả các nhạc cụ trừ pí, bởi những điệu xòe này mang theo sự nồng say trong từng bước vũ. Từ 6 điệu xòe cổ này, các nghệ nhân dân gian đã từng bước phát triển thành 36 điệu xòe mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày như “xe cúp” (múa nón), “xe tẳng chai” (múa chai), “xe kếp phắc” (hái rau), “xe cắp” (múa sạp), “xe tăng bẳng” (múa ống)... và còn nhiều điệu múa khác.


Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN