Nhân chuyến đi đưa tin về Hội nghị quốc tế về các ngọn núi nổi tiếng thế giới lần thứ hai diễn ra tại Lư Sơn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) trung tuần tháng 10/2010, chúng tôi đã bất ngờ được đến thăm nơi Bác Hồ từng ở khi Bác đến Lư Sơn hồi năm 1959 và trường học của thiếu niên Việt Nam tại Lư Sơn.
Với thắng cảnh núi non hùng vĩ và độc đáo bậc nhất ở Trung Quốc, Lư Sơn đã được công nhận là Công viên địa chất thế giới. Đây cũng là nơi sản sinh ra các nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng như Lý Bạch, Tô Thức, Đào Uyên Minh, Bạch Cư Dị. Lư Sơn còn là căn cứ địa cách mạng của Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật và trong cuộc nội chiến Quốc Cộng trước năm 1949.
Toàn cảnh biệt thự nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày ở Lư Sơn. |
Trò chuyện với anh Mộ Đức Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Lư Sơn, chúng tôi tình cờ được biết ở Lư Sơn có trường học của các thiếu niên Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngay lập tức, chúng tôi nhờ anh Mộ Đức Hoa dẫn đi thăm trường.
Đó là một tòa nhà 4 tầng, có tên “Tòa nhà Lư Sơn” nằm đường bệ trên thềm cao hơn 20 bậc.Trước đây, tòa nhà này được gọi là “Truyền tập học xá”, sau giải phóng được đổi thành “Tòa nhà Lư Sơn”.
Theo lời anh Mộ Đức Hoa, tháng 5/1953, để chuẩn bị nhân tài xây dựng đất nước sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nhờ mở một số trường học cho các thiếu niên Việt Nam, trong đó có trường dành cho con em cán bộ cách mạng và các anh hùng liệt sĩ ở vùng Hoa Nam của Trung Quốc.
Tháng 7/1953, Bộ Giáo dục Việt Nam ra quyết định thành lập trường và bổ nhiệm ban lãnh đạo. Ban đầu, trường có tên là “Trường thiếu niên Việt Nam Lư Sơn”; cả phòng học, phòng ăn và ký túc xá đều trong tòa nhà này.
Mấy tháng sau, trường chuyển sang tòa nhà “Mỹ quốc học đường”(nhà do người Mỹ xây từ trước) trên quả đồi cao phía đối diện nhưng hơi chếch về phía trái, cách “Truyền tập học xá” khoảng ba, bốn trăm mét. Đi qua cây cầu hình vòm xây cuốn ngang qua dòng suối nhỏ sang đường Hồi Long, leo chừng 100 bậc đá xếp là đến “Mỹ quốc học đường”. Hiện nay, tất cả tên đường, tên nhà và lối đi vẫn nguyên như cũ.
Cuối hè đầu thu năm 1953, hơn 1.000 thiếu niên Việt Nam từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung phân thành 11 đội đã tập kết tại Lạng Sơn, lần lượt đi bộ qua Mục Nam Quan (Hữu nghị Quan) đến Bằng Tường ở Quảng Tây.
Nhóm thiếu niên nói trên đến Lư Sơn ngày 25/8/1953 nên ngày này trở thành ngày thành lập trường. Nửa năm sau, trường chuyển đến Quế Lâm ở Quảng Tây với tên gọi “Trường dục tài Quế Lâm”. Đến tháng 12/1957, trường rút về Việt Nam.
Về lý do chuyển trường, anh Mộ Đức Hoa cho biết có thể do điều kiện thời tiết, các học sinh đến từ phía Nam khó mà thích nghi được với cái lạnh mùa đông ở Lư Sơn; cũng có thể do cách trở về ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt,… Vả lại, Quảng Tây gần Việt Nam, tiện việc liên hệ với Tổ quốc hơn…
Tác giả bên nơi ở cũ của Bác Hồ. |
Ngay gần Trường thiếu niên Việt Nam ở Lư Sơn còn có ngôi nhà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở trong lần Bác đến nơi này năm 1959. Đó là một ngôi biệt thự hai tầng, nằm trên đồi, được xây dựng từ năm 1915 trên tổng diện tích khoảng 260 m2.
Ngôi nhà có hành lang mở, trụ cột bằng đá, lan can đá, lò sưởi liền tường kiểu Pháp, từ sân lên hiên nhà tầng trên không phải cầu thang mà có 13 bậc thềm lát bằng đá tấm, một đầu hiên còn có bàn cờ khắc trên mặt bàn đá hình tròn đặt trên trụ đỡ bằng đá và 4 chiếc ghế cũng làm bằng đá. Trên tường nhà ngay trước cửa thềm lên xuống có gắn biển mang dòng chữ “Nơi ở cũ của Hồ Chí Minh (Vũ Lâm Việt Nam)”.
Trước sân nhà phía trái có tấm bảng rộng bằng gỗ, có mái che, ghi các thông tin về thời gian xây dựng, phong cách kiến trúc của ngôi biệt thự. Chủ biệt thự là Kjeld Stark, giáo sĩ truyền đạo người Mỹ. Từ ngày 25/7 đến 1/8/1959, Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ở tại đây.
Là ngôi biệt thự duy nhất ở Lư Sơn có nguyên thủ một nước đến ở, biệt thự có nhã hiệu (biệt hiệu cao nhã dành cho các bậc cao nhân) là Vũ Lâm, nên dòng chữ lớn trên cùng làm tiêu đề cho bảng thuyết minh ngoài sân và biển gắn trên tường đều ghi “Vũ Lâm Việt Nam”.
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại ngôi biệt thự trên khi Người trên đường từ Liên Xô về nước đã ghé qua Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Trong thời gian lưu lại Lư Sơn, Người đã gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức…
Rời Lư Sơn trở về Bắc Kinh, chúng tôi vẫn lưu luyến với thắng cảnh vừa gần vừa xa, vẫn thấy đâu đây hình bóng của Bác và các học sinh Việt Nam còn mãi trong dòng chảy bất tận của lịch sử nước nhà.
Trần Huy Cậy (P/v TTXVN tại Trung Quốc)