Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách giảm không chỉ do thực hiện một số chính sách ưu đãi thuế để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), mà còn do nhu cầu ứng chi đầu tư phát triển để kích cầu nền kinh tế.
Áp lực giảm nguồn thu
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 17/7 cho hay: 6 tháng đầu năm nay, tổng thu NSNN đạt hơn 356.500 tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 236.170 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán. Đây là mức thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, riêng thu từ dầu thô chỉ bằng 56% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải tình trạng trên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Việc thực hiện dự toán thu, chi NSNN những tháng đầu năm đã gặp khó khăn là do việc cập nhật, đánh giá, phân tích, dự báo tình hình thu ngân sách chưa thực sự sát với thực tế. Vẫn còn tình trạng cố ý trốn tránh nghĩa vụ về thuế, gian lận thuế. Đặc biệt, công tác quản lý thu có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời có những biện pháp đôn đốc, thu vào ngân sách các khoản nợ thuế. Trong khi đó, chi NSNN còn diễn ra tình trạng lãng phí, kém hiệu quả, chi mua sắm vượt tiêu chuẩn định mức. Công tác phân bổ và giao dự toán có nơi, có lúc còn chậm, chưa phân bổ hết dự toán ngay từ đầu năm, hoặc bố trí vốn đầu tư cho các dự án chưa đủ điều kiện, phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao...
Đại diện Bộ Tài chính nhận định: Hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước các tháng đầu năm đã có dấu hiệu tích cực, nhưng chưa vững chắc, chứa đựng nhiều rủi ro. Trong đó, tăng trưởng kinh tế còn thấp; hoạt động của các DN vẫn gặp khó khăn, trở ngại do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng còn khó khăn. Nếu không có sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm thì khả năng giảm thu NSNN cả năm 2013 là khá lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chỉ tiêu thu NSNN của Trung ương giao cho thành phố quá cao, tăng 21% so với năm ngoái, trong khi tình hình kinh tế chung đang có nhiều khó khăn, điều này khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ đang trở thành áp lực nặng nề. Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, ước tính thu NSNN năm nay của Hà Nội chỉ đạt 117.822 tỷ đồng, bằng 73% dự toán (hụt tổng thể khoảng 43.653 tỷ đồng được giao). Đại diện thành phố Hà Nội lý giải: Do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế dẫn đến nhiều DN phải dừng hoạt động vì sản xuất kinh doang thua lỗ. Các chính sách miễn giảm thuế của Nhà nước trong 6 tháng đầu năm đã khiến Hà Nội giảm thu NSNN là 9.902 tỷ đồng; riêng thuế và phí là 1.602 tỷ đồng, sử dụng đất là 8.300 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam: Trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã bám sát chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho NSNN, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, triển khai thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Tổng số tiền mà ngành thuế đã thực hiện giãn, giảm và gia hạn lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Hạn chế “ra đời” chính sách giảm thu, tăng chi
Theo Bộ Tài chính, để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2013 trong những tháng cuối năm, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng; thực hiện triệt để tiết kiệm chi. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ hạn chế ban hành các chính sách làm giảm thu NSNN.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ động điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu, ưu tiên giữ thuế để đảm bảo thu ngân sách; hạn chế việc ứng vốn các dự án đầu tư do khó khăn về cân đối ngân sách và huy động vốn; chủ động điều hành ngân sách phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Việc điều hành ngân sách sẽ thực hiện trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; trong đó các địa phương chủ động tăng thu và thu hồi nợ đọng để bù vào phần giảm thu do miễn, giảm, giãn thuế và các nguyên nhân khách quan khác.
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đưa ra các kiến nghị nhằm đảm bảo cân đối thu chi NSNN. Đơn cử: Hà Nội đã đề nghị cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương ngân sách các cấp của thành phố năm 2013 chưa sử dụng hết để bù đắp hụt thu; tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước 2.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn bù đắp hụt thu. Trong trường hợp thực hiện các biện pháp cân đối nhưng chưa đủ cho các nhiệm vụ quan trọng, Hà Nội đề nghị cho phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô khoảng 5.000 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn.
Minh Phương - Thùy Dương