Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống

Sau kỳ họp thứ 7 HĐND Hà Nội vừa qua, 11 Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô đã được thông qua nhằm đưa luật thực sự đi vào cuộc sống. Đây cũng cơ sở pháp lý để triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Thủ đô.

 

Giảm tải sức ép dân số


Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết: Các Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô vừa được HĐND thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đã đề cập tới những cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tổ chức triển khai ngay việc phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật tới từng người dân, từng doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố. Sau đó, trong quá trình thực hiện và xuất phát từ thực tiễn, nếu có gì phát sinh, sẽ kịp thời báo cáo, đề xuất với HĐND thành phố để xem xét, điều chỉnh, bổ sung, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.


 

Giảm sức ép dân số, tăng cường quản lý dân cư là mục tiêu quan trọng khi triển khai thực hiện Luật Thủ đô. Ảnh: CTV

 

Là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích, dân số Hà Nội hiện khoảng 7 triệu dân (đứng thứ hai cả nước), với mật độ dân số gấp 8 lần bình quân cả nước. Dân số đông đang tạo sức ép lên hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội của Thủ đô, khiến nhiều khó khăn phát sinh, cần có những cơ chế đặc thù để giải quyết.


Một số Nghị quyết được HĐND thông qua lần này đã đưa ra các giải pháp để giúp Thủ đô giảm áp lực dân số trong nội thành, đồng thời xây dựng đồng bộ hóa hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội khu vực ngoại thành, tạo điều kiện giãn dân nội thành. Cụ thể, liên quan đến vấn đề nhập cư: Để đăng ký hộ khẩu thường trú tại nội thành, người muốn đăng ký hộ khẩu phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở.


Cũng theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, diện tích bình quân nhà thuê phải đảm bảo tối thiểu 15 m2/người, và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê, cho phép đăng ký thường trú vào nhà thuê. Quy định này xuất phát từ thực tế:Những năm gần đây, nội thành Hà Nội đã tiếp nhận thêm 50.000 người đăng ký thường trú và với những tiêu chí về nhập cư mới, dự tính mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội sẽ giảm khoảng 30%. Việc siết lại điều kiện nhập cư tiến tới giảm tình trạng quá tải tại nội thành. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, quản lý dân cư là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, nhằm làm cho cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý để có thể bảo đảm an sinh xã hội.


Tất nhiên, quy định này khi triển khai sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân. Chị Hoàng Thị Hường, nhân viên văn phòng đang thuê nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: “Tôi mới làm việc ở Hà Nội 2 năm, nhưng không làm hợp đồng thuê nhà. Với quy định mới này của Hà Nội, tôi phải làm đủ thủ tục và đợi thêm 3 năm nữa. Điều này khiến con tôi phải học trường tư hoặc cho học diện trái tuyến”. Đây cũng là tâm trạng của người đang có ý định nhập cư vào khu vực nội thành.

 

Nâng cao ý thức trách nhiệm


Trong các nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, Hà Nội cũng sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô; một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Đặc biệt, sẽ triển khai những quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng; cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa...


 

Giải quyết vấn đề về nhà ở là một trong những yêu cầu đặt ra khi triển khai Luật Thủ đô. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

 

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội (HĐND Hà Nội) cho biết: Việc siết chặt nhập cư cần sự chấp hành nghiêm túc của công dân. Ví như để lách luật, diện tích thuê 15 m2 sẽ được các hộ dân tính bao gồm cả chỗ ở, chỗ thuê, sân vườn thì sẽ lớn hơn 15 m2 rất nhiều. Do đó cảnh sát khu vực sẽ phải tăng cường kiểm tra, xác thực việc chấp hành quy định này. Cùng với đó, thành phố cũng đồng thời thực hiện các giải pháp như xây dựng khu đô thị đồng bộ tại ngoại thành, di dời trụ sở một số cơ quan, bệnh viện... ra khỏi nội thành. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp mới thực sự đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.


Theo ông Nguyễn Thế Thảo, mỗi người dân Thủ đô đều phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô... Cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô; phổ biến pháp luật về Thủ đô; thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô; định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả và báo cáo để HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh và đánh giá tác động trong quá trình thi hành luật.

 

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN