Dễ dãi trong việc bổ nhiệm công chứng viên

Lần thứ hai “đăng đàn”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải đáp khá thấu đáo những thắc mắc, bức xúc của dư luận về các vấn đề: Hoạt động công chứng, quy hoạch phòng công chứng, công chứng viên... cũng như lộ trình của “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”.

 

Xem ra sẽ có rất nhiều tín hiệu vui và người dân hoàn toàn có cơ sở để tin vào việc các dịch vụ công ích xã hội sẽ ngày càng tăng lên và ngày càng thuận tiện hơn…

 

Phòng công chứng sẽ “phủ sóng” toàn quốc

 

Ngày 29/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2104/QĐ-TTg, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể để phát triển nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, với thời hạn từ năm 2013 - 2020 và tầm nhìn xa hơn.

 

Bộ trưởng cho biết: “Theo nội dung quy hoạch, kết thúc giai đoạn I (từ 2013 - 2015), cả nước sẽ có khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng. Và hết giai đoạn I đến 2015, cơ bản sẽ phủ kín các huyện, kể cả ở vùng núi, chỉ trừ hải đảo và các vùng xa xôi, khó khăn. Hiện nay chúng ta đã có 625 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy sẽ phải bổ sung thêm khoảng 375 tổ chức nữa. Sau đó giai đoạn 2016-2020 sẽ phát triển thêm khoảng 700 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng, phân bố rộng khắp trên toàn quốc, bao gồm cả hải đảo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, ít nhất mỗi địa phương sẽ phải có một văn phòng công chứng”.


Có một thực tế: Ở những tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, thì dịch vụ xã hội rất tốt, các văn phòng công chứng ở đây đương nhiên là có và mọi thủ tục đều rất đơn giản. Tuy nhiên ở những địa bàn khó khăn hơn, như vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… thì việc phát triển văn phòng công chứng là điều cũng không đơn giản. Bởi vậy, cần có những giải pháp riêng cho việc phát triển văn phòng công chứng ở những khu vực này.

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: Đây là điều Chính phủ và Bộ Tư pháp đã tiên lượng trước và đã đưa ra giải pháp rất rõ ràng trong Quy hoạch tổng thể. “Trong quyết định của Chính phủ phê duyệt quy hoạch cũng đã quy định rõ về vấn đề này. Theo đó, về nguyên tắc, chủ yếu sẽ thành lập các văn phòng công chứng xã hội hóa. Tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, những khu vực khó khăn trong việc xã hội hóa, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đó có trách nhiệm phải xem xét để có thể thành lập phòng công chứng của Nhà nước, giống như chúng ta đã làm trước khi có luật Công chứng năm 2006. Tuy nhiên, song song với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải xây dựng lộ trình để xã hội hóa 139 phòng công chứng hiện nay của Nhà nước thành lập trong thời gian đầu, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn, các đô thị. Đây là một quyết sách đúng, một mặt giúp vùng sâu vùng xa cũng sẽ có văn phòng công chứng riêng của mình, nhưng mặt khác xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm chi phí, biên chế cho Nhà nước ở những nơi thuận lợi cho xã hội hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Và với Quy hoạch đã được phê duyệt này, Bộ trưởng khẳng định, ông tin rằng trong thời gian tới, dịch vụ công ích xã hội sẽ ngày càng tăng lên và ngày càng thuận tiện hơn cho người dân.

 

Sẽ thanh tra đồng loạt hoạt động công chứng viên toàn quốc


Con số mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường đưa ra về tốc độ phát triển của các văn phòng công chứng và các công chứng viên thực sự khiến nhiều người bất ngờ: Tính từ ngày 1/7/2007 đến nay, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên trong cả nước đều đã tăng gấp 6 lần; trong khi trên thực tế “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, chỉ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào những ngày cuối cùng của năm 2012.
Cùng với sự bung ra của văn phòng công chứng và công chứng viên, thì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng và hiện tượng công chứng viên tỏ ra đơn giản, dễ dãi, không tuân phủ quy trình và thủ tục để làm công chứng…, đã diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, như Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiết lộ, bản thân các văn phòng công chứng còn “cạnh tranh không lành mạnh” với cả các phòng công chứng của Nhà nước.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng không có gì quá bất ngờ về tình trạng này, bởi “đó là hiện tượng ban đầu của quá trình xã hội hóa”. Về nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng: Một là do nhận thức và trình độ nghiệp vụ của công chứng viên, mà nguồn gốc là do chúng ta đang dễ dãi trong việc bổ nhiệm công chứng viên, trong tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; thứ hai, hiện chúng ta mới chỉ có quản lý nhà nước với công chứng viên, còn các công chứng viên hoạt động chưa có sự tự quản đúng mức.

 

Hiện nay mới có 4-5 tỉnh, thành phố thành lập được Hội công chứng, và ở đó, các công chứng viên tự quản, giám sát lẫn nhau về đạo đức nghề nghiệp, chấp hành pháp luật công chứng viên. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết: Trước mắt sẽ tăng cường giáo dục, nâng cao nhân thực của bản thân các công chứng viên, tăng cường giám sát hoạt động của công chứng viên. Năm 2013, sẽ tiến hành thanh tra hoạt động công chứng viên đồng loạt trong toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; mở rộng tổ chức Hội công chứng ở các tỉnh, thành phố. Về lâu dài, sẽ phải sửa đổi Luật Công chứng để thắt chặt hơn tiêu chuẩn đầu vào của công chứng viên và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Công chứng viên.


Trước thắc mắc của người dân về việc tại sao cùng một loại giao dịch mua bán nhà ở, mà nơi thì phải ra công chứng, nơi thì chỉ cần đến UBND xã, với mức phí rất khác nhau? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Bộ luật dân sự có quy định nguời dân được lựa chọn, hoặc là công chứng hoặc là chứng thực. Công chứng và chứng thực là hai việc rất là khác nhau. Công chứng do cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện, do công chứng viên thực hiện. Còn chứng thực là do UBND cấp xã, cấp huyện thực hiện. Một bên là hành vi của cơ quan bổ trợ tư pháp, một bên là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước. Còn điều thứ hai rất quan trọng, là chứng thực chỉ chứng nhận sự việc, chữ ký thôi, chứ không chứng nhận về nội dung; còn công chứng là phải bảo đảm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, và công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, qua việc chứng nhận tính hợp pháp của giao dịch, hợp đồng ấy. Đương nhiên hai hoạt động khác nhau thì dẫn đến chi phí khác nhau.


T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN