Để Ba Chẽ không còn là “huyện trắng công nghiệp”

Mặc dù có diện tích rừng lớn nhất Quảng Ninh và rất nhiều lâm sản có giá trị cao, nhưng ngành công nghiệp chế biến lâm sản của huyện Ba Chẽ gần như không có. Việc cụm công nghiệp Nam Sơn vừa được triển khai xây dựng mới đây có thể coi là những bước đi đầu tiên của huyện Ba Chẽ trong phát triển sản xuất công nghiệp.


Cụm công nghiệp đầu tiên


Huyện Ba Chẽ có trên 90% diện tích đất tự nhiên là rừng và đất trồng rừng, với gần 55.700 ha. Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và lâm sản phụ đạt hàng nghìn mét khối; khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến dược liệu cũng đạt hàng chục tấn mỗi năm.

Cơ sở sản xuất giấy duy nhất ở Ba Chẽ.


Với lợi thế này, lâm nghiệp và chế biến lâm sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Ba Chẽ. Tuy nhiên, hiện Ba Chẽ mới có duy nhất một doanh nghiệp sản xuất giấy ở dạng thô với quy mô nhỏ, công suất khoảng 3.000 tấn/năm, nên cũng chỉ tiêu thụ được một phần sản lượng tre, dóc khai thác trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ (trước là lâm trường Ba Chẽ) dù đã bước đầu tham gia chế biến một số loại lâm sản, nhưng chỉ với quy mô tự cung tự cấp, giải quyết nguồn lâm sản thuộc đơn vị quản lý và khai thác. Quy mô, năng lực chế biến còn yếu kém, sản xuất manh mún, quy trình công nghệ lạc hậu, mức độ cơ giới hóa chưa cao, chưa có sản phẩm tinh chế... đang là những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành chế biến lâm sản ở Ba Chẽ.


Để tạo điều kiện cho Ba Chẽ phát triển, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chung Ba Chẽ giai đoạn 2010-2025. Trong đó, 3 cụm công nghiệp được quy hoạch gồm cụm công nghiệp xã Nam Sơn quy mô 50 ha, cụm công nghiệp Đạp Thanh quy mô 50 ha và cụm công nghiệp xã Thanh Lâm quy mô 40 ha, tập trung vào ngành chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến nông lâm sản.


Vừa qua, cụm công nghiệp chế biến lâm sản và cảng Nam Sơn (Ba Chẽ) đã được khởi công xây dựng, và đến năm 2015, một phần cụm công nghiệp này sẽ đi vào hoạt động. Hiện đã có 4 doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản triển khai các hoạt động đầu tư, đồng thời đạt được các bước cơ bản trong thủ tục đầu tư theo quy định. Ngày 12/8 vừa qua, Công ty cổ phần gỗ Thanh Lâm đã triển khai xây dựng nhà máy chế biến gỗ Nam Sơn trên diện tích gần 8 ha tại cụm công nghiệp Nam Sơn có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến, sau 6 tháng triển khai xây dựng nhà máy sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.


Thu hút thêm nhà đầu tư


Thời gian qua huyện Ba Chẽ đã tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi như mặt bằng, hành lang pháp lý... thu hút các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư vào đầu tư. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, huyện đang triển khai các chính sách ưu tiên về giao đất cho doanh nghiệp. Để tạo thêm sức hút đầu tư, các doanh nghiệp sẽ được huyện phối hợp giải phóng mặt bằng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, để có thể đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ngay. Đối với nhiều dự án, huyện phát huy nội lực cũng như tham mưu với tỉnh xây dựng hệ thống hạ tầng bên ngoài cho các nhà đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, sắm trang thiết bị, công nghệ sản xuất để triển khai các hoạt động sản xuất.

 

Công trường cụm công nghiệp và cảng Nam Sơn.


Đi liền với việc giải phóng mặt bằng thì việc dành quỹ đất để tái định cư và giao đất sản xuất cho dân bị ảnh hưởng bởi dự án để ổn định cuộc sống trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Ông Lý Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), cho biết, sau nhiều cố gắng của chính quyền địa phương, quá trình giải phóng mặt bằng của cụm công nghiệp Nam Sơn đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn một số hộ dân chưa chịu di dời cũng đang được huyện phối hợp các tổ chức ở địa phương tiến hành các cuộc họp bàn giải quyết các vướng mắc và sẽ tổ chức di dời trong thời gian sắp tới.


Hiện nay, xã Nam Sơn đã hoàn thành một khu tái định cư với số lượng gần 40 gia đình. Mỗi lô đất rộng khoảng gần 400 m2, đủ điều kiện xây dựng nhà ở, khu chuồng trại chăn nuôi và đất vườn để trồng rau, hoa… Cùng với quá trình thi công các hạng mục công trình của cụm công nghiệp chế biến lâm sản và cảng Nam Sơn, hệ thống đường giao thông cũng được quy hoạch và triển khai. Nhờ đó việc đi lại, vận chuyển của bà con sắp tới sẽ thuận lợi hơn.


Về nguồn nhân lực, huyện đang có kế hoạch đào tạo lao động địa phương có đủ trình độ, kiến thức để làm việc ngay tại các cụm công nghiệp này. Huyện cũng đang tiến hành quy hoạch lại sản xuất, vận động người dân trồng, chăn nuôi và khai thác hợp lý để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các cụm công nghiệp chế biến.


Những tín hiệu đáng mừng đang đến với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản của huyện Ba Chẽ. Mong rằng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, những cụm công nghiệp này sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương khởi sắc để Ba Chẽ không còn bị nhắc đến là “huyện trắng công nghiệp”.


Bài và ảnh: Xuân Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN