Ước tính vốn đầu tư thanh toán trong tháng 7/2017 đã tăng khoảng 1,8 lần so với tháng 6/2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) giải ngân ước đạt 38,5% dự toán.
Kè chống sạt lở bờ sông Cái đoạn qua xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang mới được xây dựng từ vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN. |
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch vốn năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 309 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với tổng số vốn kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân 7 tháng mới đạt khoảng 33,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.
Tính hết tháng 7/2017, việc giải ngân có tăng so với thời điểm tháng 6/2017 nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ này chưa đạt yêu cầu và nhiều bộ, ngành giải ngân giảm so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng quan trọng nhất là do phân bổ vốn chậm. Đơn cử tính đến trung tuần tháng 2/2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án.
Để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 297/TB- VPCP của Văn phòng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư công và giải ngân nguồn vốn này.
Bộ Tài chính đã chủ động sửa đổi các hướng dẫn về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN, vốn TPCP thuộc chức trách được giao; quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách theo hướng tinh gọn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Tham gia rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn TPCP đợt 2 năm 2017; tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tham gia sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến công tác đấu thầu và hợp tác công tư nhằm đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh cho biết: 2017 là năm thứ ba thực hiện quản lý đầu tư công theo Luật Đầu tư công; đồng thời cũng là năm đầu Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực. Quá trình triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số bất cập nên ít nhiều cũng tác động đến việc phân bổ, thẩm định và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Vụ Đầu tư đang hoàn thành trình Bộ Tài chính ban hành 5 thông tư; đồng thời tham gia có chất lượng việc sửa đổi cơ chế, chính sách về PPP (hợp tác công tư), dự kiến báo cáo cuối tháng 8/2017; phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán NSNN, kế hoạch chi đầu tư công năm 2018.
“Vụ Đầu tư tiếp tục tập trung quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo tích cực xử lý tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành; đồng thời, kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công trình Quốc hội xem xét, sửa đổi”, ông Anh nói.
Trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư công ở Việt Nam vẫn bị đánh giá là giải ngân ì ạch. Trước đó, lời cảnh báo về tốc độ giải ngân chậm chạp này đã được đưa ra từ năm 2016. Các đơn vị được kiểm tra và bị phê bình mới có tỷ lệ giải ngân dưới 20% tính đến ngày 15/6/2017.
Đề cập tới vấn đề này, TS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: “Đây là vấn đề bức xúc. Khó khăn lắm Việt Nam mới bố trí được các khoản vốn, phải đi vay trả lãi nhưng khi có ntiền thì giải ngân chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng”.
Theo TS Ánh, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp thiếu đồng bộ, từ Trung ương với địa phương. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trọng trách, tham mưu cho Chính phủ về đầu tư công thì cũng nằm trong danh sách những bộ, ngành chậm giải ngân.
“Rõ ràng chúng ta có quy trình quản lý đầu tư công, khá rõ ràng và nếu thực hiện tốt thì hiệu quả, tốc độ giải ngân sẽ tốt. Nhưng dường như khi áp dụng thực tế vẫn có một khoảng cách, tồn tại cơ chế xin cho, thậm chí có những dự án chưa hoàn thành hồ sơ. Cần phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế này”, TS Ánh nói.
Để khắc phục tình trạng này cần phải rà soát lại quy trình, thủ tục, đầu tư, từ chủ trương, đến quá trình thực hiện. Luật Đầu tư công mới đưa vào sử dụng mấy năm nay nên việc sửa luật chưa phù hợp nhưng phải rà soát lại quy trình thủ tục, khơi thông ách tắc. Vấn đề thứ 2 rất quan trọng là nâng cao tính trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, con người để rút ngắn thời gian giải ngân vốn đầu tư công.