Đẩy mạnh chống thất thu ngân sách

Chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế và chấn chỉnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, cũng như việc quản lý giá xăng dầu là những vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

 

Nhiều giải pháp đồng bộ


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2013, mặc dù nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn đạt 100,4%. Có được kết quả này là do Bộ Tài chính đã sớm chủ động làm việc với 63 tỉnh, thành trên cả nước để đánh giá khả năng thu ngân sách nhà nước năm 2013, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Bộ cũng đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những giải pháp có tính chất đột phá để đảm bảo dự toán đề ra như: Kiến nghị với Quốc hội ban hành một số chính sách mới, tiến hành thu cổ tức được chia năm 2013 của các doanh nghiệp, công ty cổ phần và lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn; đồng thời đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, quản lý ngân sách năm 2013. Bên cạnh đó, toàn ngành tài chính đã triển khai chống thất thu, đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế và chấn chỉnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng.


“Năm 2013, ngành tài chính đã kiểm tra 60.273 doanh nghiệp và xử lý, thu về cho ngân sách nhà nước 13.186 tỷ đồng; thu hồi nợ được 25.482 tỷ đồng. Về chống buôn lậu và gian lận thuế giá trị gia tăng, cơ quan tài chính đã tiến hành thanh tra 340 doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và đã truy thu 238 tỷ đồng; chuyển 67 hồ sơ sang cơ quan điều tra và đã khởi tố 17 doanh nghiệp, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm. Qua đó, đã hạn chế được tiêu cực trong hoàn thuế. Ngành tài chính cũng đã xử lý hành chính một số cán bộ thuế, hải quan có liên quan đến trách nhiệm hoàn thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.


Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong năm 2013 vẫn còn tình trạng một số cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh, mua bán hóa đơn và gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng. Một số cá nhân khác thành lập doanh nghiệp để xuất khẩu hàng công nghệ, công nghệ phẩm qua biên giới trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã kiểm tra và xác định được 5 nguyên nhân làm nảy sinh việc trốn và gian lận thuế: Một là, sự thông thoáng trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp; hai là, chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước; ba là, cơ chế tự khai, tự nộp thuế; bốn là, cơ chế cho doanh nghiệp tự in, sử dụng hóa đơn; năm là, cơ chế thông thoáng về thủ tục hải quan.


Để giải quyết những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp: Chỉ đạo cơ quan thuế phân loại doanh nghiệp, tập trung kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu có nghi vấn; sửa đổi những quy định còn lỏng lẻo; tăng cường phối hợp giữa quản lý thu thuế với các địa phương và nghiên cứu, bổ sung quy định chặt chẽ về thủ tục thành lập doanh nghiệp.


Sẽ công khai hơn nữa giá xăng dầu


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc điều hành giá phải đảm bảo vĩ mô theo mục tiêu chung, theo đúng pháp luật về giá và theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; công khai minh bạch; tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp; từng bước xóa bỏ việc bù chéo trong điều hành về giá cả; đảm bảo an sinh xã hội.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc điều hành giá xăng dầu là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước quy định công thức tính giá cơ sở: Căn cứ vào giá xăng dầu bình quân trong 30 ngày và thời gian điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày. Bên cạnh đó, bình ổn giá còn thông qua các công cụ tài chính như Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, đồng thời công khai, minh bạch quản lý điều hành giá xăng dầu. “Bộ Tài chính đã công khai việc điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý. Năm 2014, Bộ Tài chính sẽ công khai minh bạch hơn nữa về việc điều hành giá xăng dầu, công bố công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày để điều hành giá xăng dầu trong nước. Đồng thời công khai tính toán giá cơ sở, trong đó có chi tiết cấu thành giá cơ sở như thuế, lợi nhuận định mức, sử dụng Quỹ bình ổn giá…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

 

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN