Chúng tôi ngược lên Hà Giang, tìm đến huyện Quang Bình, nơi có đông đồng bào Pà Thẻn sinh sống. Ông Ma Văn Hướng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang kể rằng, trước kia người Pà Thẻn ở huyện Quang Bình sống tít trên núi cao. Đời sống của họ rất khó khăn, dân cư thưa thớt. Năm 1968, Đảng, Nhà nước có chính sách định canh, định cư, trong đó dân tộc Pà Thẻn được đặc biệt quan tâm.
Thiếu nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống. |
Với quyết tâm đưa đồng bào hạ sơn, khi đó, cán bộ của Ủy ban Dân tộc đã lên tận nơi để vận động bà con xuống núi, chọn địa điểm lập làng, đầu tư hạ tầng khu tái định cư dưới chân núi xã Tân Trịnh, Tân Bắc. Kể từ đó, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay rất đáng mừng.
Tại thôn Mỹ Bắc, xã Tân Bắc, chúng tôi gặp chị Tải Thị Mai, cán bộ y tế thôn bản, người Pà Thẻn khi chị vừa đi làm về. Treo chiếc túi vải cạnh khung cửi, chị mau mắn mời khách vào nhà uống nước.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai xúc động: “Làng của người Pà Thẻn ngày nay được lập lên từ khi tôi vẫn còn là đứa trẻ. Nghe bố mẹ, ông bà kể lại thì hồi đó cuộc sống khó khăn lắm chứ đâu có được như bây giờ. Khi mới xuống núi, do thay đổi phương thức canh tác sản xuất nên cán bộ Nhà nước phải thường xuyên cầm tay chỉ việc cho đồng bào mình đấy. Cũng nhờ chính sách định canh, định cư mà tôi được đi học, giờ trở thành y tế thôn bản để giúp cho bà con dân tộc mình. Vui mừng lắm!
Nghề dệt thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập đáng kể của phụ nữ Pà Thẻn. |
Trước kia, người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, cây lương thực chính là lúa và ngô. Việc canh tác cũng chỉ từ hai đến ba vụ, thu hoạch xong lại bỏ hoang hoá kéo nhau đi tìm vùng đất mới, tiếp tục với công việc phát nương làm rẫy. Do vậy, mùa vụ của người Pà Thẻn xưa kia thường xuyên bị hạn hán, sâu bệnh, thú rừng phá hoại, thu hoạch không đủ ăn, đời sống bấp bênh, nhiều người phải bỏ vào rừng kiếm sống.
Từ ngày hạ sơn định cư tại bản mới dưới chân núi, người Pà Thẻn nơi đây đã quy tụ sống tập trung thành những làng có dân cư đông đúc. Đồng bào được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, xây dựng hợp tác xã sản xuất dệt thổ cẩm... Nhờ vậy, cuộc sống của người Pà Thèn ngày nay đã sang một trang mới, đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành đầy đủ.
Thấy chúng tôi để ý tấm khăn thổ cẩm vắt bên khung cửi, chị Mai hào hứng “khoe” tiếp: “Đây là tấm khăn thổ cẩm tôi mới dệt xong, giá của nó là 500.000 đồng. Ở đây, đã là phụ nữ Pà Thẻn thì ai cũng biết dệt thổ cẩm. Vì thế, ngoài việc làm nương, rẫy, những lúc rảnh rỗi chị em phụ nữ đều cặm cụi bên khung cửi vừa để may mặc trong gia đình, vừa để bán cho khách du lịch, tăng thêm thu nhập kinh tế…
Năm 2008, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ nguồn vốn để thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống đầu tiên của người Pà Thẻn ở huyện Quang Bình, xuất đơn hàng trên khắp mọi miền đất nước, góp phần tạo công ăn, việc làm ổn định, đồng thời gìn giữ được nghề truyền thống của người Pà Thẻn không bị mai một theo thời gian…
Tỉnh Hà Giang cũng đang khảo sát để trong thời gian tới sẽ xây dựng một chính sách riêng hỗ trợ cho đồng bào Pà Thẻn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào trong tương lai không xa.