Đầu tư cho y tế xã vùng khó

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay 60% số trạm y tế xã trên cả nước đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã khi xây dựng thành công mô hình 2 trong 1 (kết hợp cả chức năng dự phòng và khám chữa bệnh), nhiều trạm đã đủ điều kiện được BHYT thanh toán. Tuy nhiên 40% trạm y tế chưa đạt tiêu chuẩn lại phần lớn nằm ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, là những nơi người dân chủ yếu sử dụng dịch vụ tại trạm y tế.


Xuống cấp, thiếu thốn

Xuống cấp về cơ sở vật chất; thiếu thốn trang thiết bị, thậm chí đã được hỗ trợ máy móc theo các dự án, nhưng không có chỗ bảo quản; thiếu cán bộ y tế có trình độ cao, là thực trạng của nhiều trạm y tế vùng cao.

Đầu tư cho trạm y tế vùng khó đảm bảo công bằng về thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Trạm y tế xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là hai dãy nhà cấp 4 bằng gỗ, lợp mái tôn, được xây dựng từ năm 1987 đến nay đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Vách nhà bong, gẫy, phần mái tôn qua nhiều trận mưa bão đã xập xệ, cong vênh… Bác sĩ Hà Thị Diệp, Trạm trưởng trạm cho biết, trạm có 1 bác sĩ, 4 y sĩ và 1 điều dưỡng; trang thiết bị y tế thì chỉ gồm 1 máy khí dung và 1 máy điện châm, nhưng phục vụ tới 9.000 - 10.000 lượt bệnh nhân/năm.

“Các trạm y tế vùng cao cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để đủ điều kiện được thanh toán BHYT và đảm bảo công bằng, vì ở những nơi này người dân chủ yếu trông chờ vào trạm y tế, họ ít khi lên tuyến trên, thậm chí có trường hợp cán bộ y tế vận động cũng không đi”.

Ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu

Trạm y tế xã Hùng Lợi, xã vùng sâu vùng xa huyện Yên Sơn, cũng trong tình trạng tương tự. Phục vụ gần 7.000 nhân khẩu, trong đó trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; tuy nhiên cơ sở trạm hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, cứ trời mưa lại bị dột ướt, nên khó bảo quản được thuốc thang, máy móc, nhiều dụng cụ phải gửi nhờ ở nhà dân, thậm chỉ trạm cũng không có chỗ để người dân nằm lại điều trị.

Anh Hoàng Văn Páo, thôn Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, cho biết: “Bà con ở đây còn nghèo khó lại không có điều kiện để chữa bệnh ở xa, nên mỗi khi có bệnh đều phải đưa đến trạm y tế xã để khám và chữa bệnh. Nhưng chỉ muốn lấy thuốc xong rồi mang về nhà uống, vì trạm không có chỗ nằm”.

Còn trạm y tế thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tuy cơ sở vật chất khang trang, nhiều máy móc, thiết bị, nhưng người dân chỉ được nhìn máy mà không được sử dụng vì cán bộ y tế không biết sử dụng. Theo các nhân viên y tế, trạm đã được hỗ trợ trang bị máy siêu âm, điện tim và một số máy móc, nhưng chỉ các cán bộ trước đây được tập huấn là biết sử dụng, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế mới chuyển đến trạm công tác chưa được hướng dẫn, nên đành để máy “đắp chiếu”.

Theo ông Đào Duy Quyết, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang: Các trạm đều đã được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp hầu hết, tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư xây dựng của tỉnh còn hạn hẹp, nên mỗi năm chỉ xây mới, nâng cấp, sửa chữa được từ 3 đến 4 trạm.

“Cán bộ ở các trạm y tế ít có điều kiện đi học nâng cao trình độ vì mỗi khóa học siêu âm, X quang … phải mất từ 3 đến 6 tháng, sẽ không có ai làm việc thay. Hơn nữa, địa phương cũng không có kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ đi học”, ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc sở y tế tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Đầu tư có trọng điểm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua ngành y tế đã có nhiều giải pháp củng cố hệ thống y tế cơ sở, trong đó có y tế tuyến xã như: Huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, đào tạo cán bộ... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thiếu nguồn vốn, nên thành quả đạt được chưa cao. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án Xây dựng và Phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới với sự hỗ trợ Ngân hàng Thế giới cho vay, để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo cán bộ y tế cơ sở...

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định: Bộ sẽ tập trung đầu tư cho các trạm y tế xã, nhưng không đầu tư tràn lan mà tập trung vào vùng khó khăn nhất, những khu vực gần dân, xa trung tâm để đảm bảo trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Thậm chí những xã quá rộng, dân ở thưa thớt, sẽ bố trí nhiều hơn 1 trạm để tiện cho người dân đến khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng sẽ xây dựng các trung tâm xét nghiệm ở các huyện. Các địa phương cũng cần tranh thủ tối đa kinh phí từ các dự án và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cho y tế tuyến xã.

Cũng theo ông Tác, thời gian tới, thực hiện Quyết định 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế sẽ tăng cường đội ngũ cán bộ y tế về tuyến xã, chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tích cực chuyển giao kỹ thuật theo các gói dịch vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ ở các trạm y tế.
Tạ Nguyên- Văn Tý
Xây dựng hệ thống y tế chất lượng và sự an toàn của bệnh nhân
Xây dựng hệ thống y tế chất lượng và sự an toàn của bệnh nhân

"Xây dựng hệ thống y tế chất lượng và sự an toàn của bệnh nhân" là mục tiêu trọng tâm của Hội nghị Xu hướng y tế tương lai khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8, do Bộ Y tế phối hợp với tập đoàn Novartis (Thụy Sỹ) tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN