Phát triển y tế vùng ĐBSCL

Chú trọng y tế cơ sở

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Trung ương và những nỗ lực của ngành y tế các địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.


Củng cố mạng lưới bệnh viện

Những năm qua, ngành y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhà nước quan tâm đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất. Hệ thống các bệnh viện từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư trang thiết bị, còn đội ngũ y bác sĩ thì được đào tạo từ nhiều nguồn như từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và nhiều chương trình dự án khác. Tổng nguồn vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) cũng được duy trì, củng cố và phát triển.

Trong đó, vai trò của tuyến YTCS được xác định là đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế, vì đây là tuyến gần dân nhất, bảo đảm đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến người dân nhanh nhất và rất phù hợp với người nghèo, giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, việc quan tâm đầu tư nhiều hơn cho YTCS, đặc biệt là về nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chú trọng.

Trang thiết bị hiện đại hỗ trợ việc theo dõi và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN


Nhiều trạm y tế xã của các tỉnh, thành đã được xây mới hoặc nâng cấp; các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được đẩy mạnh. Chất lượng khám chữa bệnh cũng đã tăng cao hơn trước do các thiết bị y tế như: Máy siêu âm, nội soi, xét nghiệm sinh hóa tổng hợp hiện đại được sử dụng phổ biến. Nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành còn trang bị máy chụp cắt lớp và máy cộng hưởng từ phục vụ bệnh nhân. Mặt khác, các địa phương còn thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ chuyên môn từ các bệnh viện tỉnh về cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng... Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay số xã trong khu vực có tỷ lệ bác sĩ làm việc đạt 84,9% (bình quân chung của cả nước là 76,96%); 56,4% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 (mức bình quân chung cả nước là 52,2%); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 13,9% (bình quân cả nước là 15,3%)...

Tại thành phố Cần Thơ, hệ thống y tế ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng, công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô và năng lực khám, điều trị bệnh, cung ứng dịch vụ của hệ thống y tế được nâng cao và mở rộng. Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết đến nay, TP.Cần Thơ có 100% xã phường có trạm y tế, có bác sỹ khám chữa bệnh; 100% trạm y tế xã, phường có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, có dược sĩ trung học hoặc đại học. Đặc biệt trong năm 2014, ngành đã hoàn thành được chỉ tiêu 100% trạm y tế xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 và đã khánh thành bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ với quy mô 500 giường khang trang, hiện đại; đồng thời thành lập bệnh viện phụ sản 250 giường.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc bệnh viện phụ sản Cần Thơ, cho biết việc bệnh viện phụ sản Cần Thơ đưa Khoa Điều trị theo yêu cầu vào hoạt động đã nâng tổng số giường bệnh của bệnh viện lên 380 giường, xóa bỏ tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ở Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, Khoa Điều trị theo yêu cầu còn giúp các bệnh nhân trong vùng ĐBSCL được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí thấp hơn so các bệnh viện tư nhân khác.

Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng là một trong 15 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được Quỹ Toàn cầu chọn triển khai dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế” với nguồn vốn thực hiện không hoàn lại nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế, góp phần cải thiện và duy trì các thành quả trong phòng chống HIV/AIDS, ngăn ngừa dịch bệnh lao, sốt rét và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án được đại diện Quỹ Toàn cầu đánh giá là hoạt động có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đặc biệt là tuyến YTCS và hoạt động y tế cộng đồng tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kết quả bước đầu, dự án đã hỗ trợ đào tạo được 248 bác sĩ, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho 740 cán bộ YTCS và nhân viên y tế; giám sát các hoạt động dự án các lĩnh vực y tế: HIV/AIDS, lao, sốt rét và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến tỉnh đến tuyến YTCS; hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho trên 1.300 nhân viên y tế…

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay mạng lưới y tế Sóc Trăng được đầu tư trải rộng khắp các địa phương trong tỉnh, đưa chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh tại địa phương trong tỉnh cải thiện đáng kể; giúp kiểm soát thành công nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có tổng cộng 2.470 giường bệnh, đạt tỷ lệ 17,8 giường/vạn dân. Tỉnh có một bệnh viện tư nhân với quy mô 40 giường. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt gần 75%. Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ cố gắng hoàn thành dự án xây mới bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường và dự án xây mới bệnh viện Sản Nhi quy mô 400 giường đúng tiến độ để đưa vào phục vụ.

Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh

Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 cho khu vực ĐBSCL. Đề án đề ra mục tiêu nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế… giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương mà không phải về thành phố, trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, có 6 bệnh viện hạt nhân gồm: Ung Bướu, Từ Dũ, Chấn Thương chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã thành lập các bệnh viện vệ tinh tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bên cạnh việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các quy trình kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh. Một số bệnh viện ở vùng ĐBSCL đã tiến hành tổ chức các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi công tác chuyên môn giúp nâng cao năng lực bệnh viện vệ tinh. Đến nay các bệnh viện vệ tinh được chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân có thể tự thực hiện được tại chỗ trên 95% các kỹ thuật chuyển giao như: Mổ lấy thai, cấp cứu sản khoa, phẫu thuật cột sống, hồi sức sơ sinh chuyên sâu, xạ trị… Số lượng bệnh nhân tiếp nhận điều trị tăng cao và giảm 70% chuyển viện đối với những kỹ thuật chuyên môn đã được chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân.

Chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh tại khu vực phía Nam, trong đó có vùng ĐBSCL, các bệnh viện vệ tinh đã nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phát huy được vai trò đầu mối, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, hiện nay đề án vẫn còn vấp phải những khó khăn từ những hạn chế “đặc thù” của ngành y tế vùng ĐBSCL. Do vậy, để tiếp tục phát triển đề án cho vùng thì đòi hỏi phải tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất hiện nay.

Anh Đức
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Để ngành y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về nhân, vật lực đồng thời phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN