Phũm Soài (xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang) là ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm của người Chăm nằm bên bờ Châu Giang hiền hòa, thơ mộng. Về đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của cư dân bản địa.
Một buổi sáng mùa xuân, Châu Đốc nắng vàng mơ. Chúng tôi qua phà Châu Giang, gặp lại hai người bạn Chăm là Mohamad và Hồ Saich, ở bến Châu Phong. Mohamad cho biết: Xã Châu Phong có gần 500 hộ sống dọc theo hai bờ kênh Vĩnh An, riêng ấp Phũm Soài với trên 300 hộ thì có hơn phân nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan. Các sản phẩm gồm: khăn choàng tắm, sà rông, vải thổ cẩm, các hàng lưu niệm như túi xách, móc khóa…
Làng Chăm yên bình bên bờ Châu Giang hiền hòa. |
Người Chăm ấp Phũm Soài không biết có mặt ở đây từ bao giờ. Tuy nhiên nơi đây có một khu nghĩa địa cổ khắc niên đại 1700, có lẽ cộng đồng Chăm đã xuất hiện từ đó và bắt đầu hình thành nghề dệt thổ cẩm cho đến tận bây giờ. Tộc người Chăm thường sống thành cụm ven sông. Đàn ông làm nghề đánh bắt thủy sản, còn phụ nữ Chăm do tục cấm cung nên thường làm nghề dệt. Sản phẩm của phụ nữ Chăm dệt từ tơ, sợi, được nhuộm bằng chất liệu có từ thiên nhiên như: Klék (mũ cây), Pahud (vỏ cây), mặc nưa (trái cây).
Dân tộc Chăm ở An Giang có trên 12 ngàn người, sống tập trung thành ấp (Puk) hay liên ấp, xen kẽ trong những xã (Pơlây) của người Kinh. Địa bàn dân cư ấy trải dài từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến An Giang. Ấp Phũm Soài nằm bên kia sông, đối diện thị xã Châu Đốc.
Đến với Phũm Soài, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào “xứ sở nghìn lẻ một đêm”, bởi ta sẽ bắt gặp những ngôi thánh đường uy nghi, bề thế với lối kiến trúc Tây Nam Á rất rõ nét: mái vòm tròn “củ tỏi’, đỉnh nhọn vuốt lên cao, các cửa thông gió hình chữ U ngược có nẹp viền, màu trắng và xanh lá cây sẩm là màu chủ đạo, bao trùm lên kiến trúc… Trên đường làng, du khách sẽ gặp các cô gái Chăm vận trang phục truyền thống, trùm khăn, đôi khi có che mạng. Các cô gái Chăm sở hữu làn da trắng và đôi mắt bí ẩn, đẹp chết người!
Thiếu nữ Chăm bên những sản phẩm dệt thủ công. |
Chúng tôi đến cơ sở dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Châu Giang đặt tại nhà Mohamet. Trong một gian nhà sàn, có nhiều khung dệt thủ công khá lạ mắt, Sa-ry Giác và Mary là hai cô gái Chăm đang chăm chỉ dệt thổ cẩm. Sa-ry Giac cho biết nhà cô cũng gần đây, cô học dệt thổ cẩm từ lúc 15 tuổi, đến nay đã 22 tuổi, và đang dệt gia công ăn thù lao theo sản phẩm cho cơ sở của thầy giáo Mohamad.
Ma-Ry và Sary Giác se, nối sợi một cách thuần thục. Bàn tay của các cô thoăn thoắt trên khung dệt. Những âm thanh của các khung gỗ chạm vào nhau “lắc cắc” nghe vui tai. Những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn xinh đẹp đã hình thành bởi đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Chăm. Nhưng sản phẩm này có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Canada. Đặc biệt hai mặt hàng “Ikat vân mây” và “Thổ cẩm bông dâu” bán rất chạy.
Khách du lịch nước ngoài rất hào hứng với các sản phẩm dệt tay của làng Chăm cổ. |
Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu ở đây. Họ rất thích thú tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Từ cơ sở đó, năm 2008, Châu Phong đã thành lập “Trung tâm Thông tin du lịch cộng đồng Châu Phong” (Châu Phong Tourism Information Centre). Trung tâm này có chức năng hướng dẫn và tổ chức cho khách du lịch tham quan thánh đường Hồi giáo, đình cổ Châu Phong, làng Chăm, nhà Chăm cổ. Du khách còn được tham gia trò chơi “đẩy cây”, đua ghe ngo, xem múa Quạt…”. Phụ nữ Chăm ở Châu Phong có trang phục ảnh hưởng văn minh Hồi giáo, mà gần nhất là Malaixia. Các bà các cô luôn có khăn trùm nhưng muốn che mặt hay không tùy thích. Theo tục lệ đạo Hồi, đàn ông có thể có bốn vợ - nhưng ở Châu Phong, đàn ông do tuân thủ luật Hôn nhân gia đình nên thường chỉ có một “bà xã” như người Kinh.
Mohamad giới thiệu với chúng tôi chị Mahriêm là một nghệ nhân xuất sắc của Hợp tác xã Châu Giang. Hồi năm 2007, Mahriêm, đã một mình mang khung dệt thổ cẩm của Châu Phong qua Mỹ tham gia biễu diễn trong lễ hội dân gian Smithsonian. Nghệ nhân Mahriêm trong trang phục truyền thống kín đáo nhưng trang nhã cho chúng tôi biết, cô học nghề lúc mới 12 tuổi, năm nay 38 tuổi, đã có 26 năm thăng trầm với nghề dệt thổ cẩm. Mohamad cũng giải thích cho chúng tôi biết: Phải bố trí nhiều go (khung dệt gỗ) nếu như muốn tạo nhiều màu sắc hoa văn. Go càng nhiều thì nghệ nhân đạp càng vất vả. Hệ thống điều khiển dệt thủ công rất phức tạp, nó là sự kết nối của nhiều công đoạn. Hiện tại khung dệt ở HTX Châu Giang có tối đa 18 go. Thợ giỏi mỗi ngày chỉ có thể dệt được một mét thổ cẩm.
Theo những người Chăm nơi đây, dù ngày Tết Nguyên đán có gốc từ người Kinh, nhưng hầu như nhà người Chăm nào ở Châu Giang cũng đều chuẩn bị món ăn ngon “tung lò mò” cho ngày này. Tiếng Chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò; hiểu theo tiếng Việt nghĩa là lạp xưởng bò. Cách làm giống như lạp xưởng heo của người Hoa, nhưng có thêm vài bí quyết gia truyền!.
Thịt bò vụn nhưng chất lượng ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương, xắt nhuyễn, bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị bí truyền, nhưng nhất thiết phải có cơm nguội. Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối, rửa sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 6cm, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng 3 nắng là được. Bí quyết khá đơn giản để “tung lò mò” trở nên đặc sắc hơn lạp xưởng là nhờ cơm nguội lên men có vị chua.
Món tung lò mò ăn kèm với húng quế, ngò gai và dưa đu đủ (đu đủ xắt sợi xả muối, đường, vắt ráo nước, đem ngâm trong hỗn hợp giấm, đường). Chấm tung lò mò với tương đen pha tương ớt thì mới “đã”. Nướng tung lò mò, mỡ chảy xuống bếp xèo xèo, tỏa khói thơm ngào ngạt, miếng thịt săn nóng lại, gắp miếng “tung lò mò” kèm với rau húng quế ngon nghe thâm trầm với các hương vị ngọt, bùi, béo, chua nhẹ, cay cay thơm lừng hấp dẫn đến tận chân răng, đầu lưỡi. Người Chăm ở An Giang theo đạo Hồi, “kỵ” thịt heo, chỉ ăn thịt bò. Vì thế, món tung lò mò là món ăn phổ biến trong những ngày lễ, Tết của họ.
Bài và ảnh: Đặng Hoàng Thám