Dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Ai Cập

Ai Cập là một trong những nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo, thủ đô của Ai Cập. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Ả rập Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 6-7/9/2017. 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm được coi là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Ai Cập, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Ảnh: AFP/TTXVN

Ai Cập là một trong những nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo, thủ đô của Ai Cập. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Những năm qua, Ai Cập luôn đánh giá cao lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề của thế giới Ả-rập, đặc biệt là Tiến trình Hòa bình Trung Đông. Chính quyền Ai Cập khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với Việt Nam. Điều này được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: Chính quyền Ai Cập đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hai đợt sơ tán lao động tại Libya (năm 2011 và 2014). Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm tại Liên hợp quốc.

Tại kỳ họp Tham vấn chính trị lần 8 cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Cairo tháng 5/2015, Ai Cập cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để đạt chứng chỉ Halal về thực phẩm cho các thị trường Hồi giáo.

Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 316 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hải sản, linh kiện phụ tùng ô tô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng tiêu dùng khác. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ai Cập là hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại và hàng tiêu dùng khác...

Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013. Hiện nước này có hai dự án đầu tư tại Tây Ninh và Khánh Hòa với giá trị 750 nghìn USD. Hàng năm, Chính phủ Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Ả-rập. Hai nước cũng thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra, văn hóa… Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Ai Cập đã được thành lập gồm 8 thành viên do một Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Chủ tịch.

Chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi tới Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong 54 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1963-2017). Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam, thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam; đưa hợp tác hai nước ngày càng hiệu quả và sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như thương mại, nông nghiệp, văn hóa, du lịch; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Thu Phương (TTXVN)
 Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập mở ra trang mới trong quan hệ song phương
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập mở ra trang mới trong quan hệ song phương

Nhật báo Al Messa - một trong những tờ báo hàng đầu của Ai Cập, số ngày 3/9 đã đăng bài viết của Phó Tổng Biên tập Rifaat Khaled đánh giá rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/9 của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ song phương, bởi đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN