Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ là phù hợp, có hiệu quả cao. NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. NHCSXH đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước dễ dàng. Đây cũng là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới điểm giao dịch trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận với tín dụng chính sách của Nhà nước, tập trung nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi hệ thống Ngân hàng thương mại là phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đồng bào dân tộc thiểu số Pako giao dịch tại NHCSXH huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng nói chung và chính sách tín dụng ưu đãi nói riêng đối với hộ nghèo người DTTS. Với vai trò chủ trì, NHCSXH các tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai, tổ chức thực hiện, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, nâng cao hiệu quả cho vay, bảo đảm dư nợ và kiểm soát được dư nợ quá hạn.
Mô hình ủy thác cho vay và tổ tiết kiệm và vay vốn là phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đã dùng phương thức gắn kết giữa Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội các cấp với người dân thông qua các tổ và đang đem lại hiệu quả, phù hợp với mục đích, đối tượng sử dụng vốn vay của NHCSXH; bảo đảm tính công khai, dân chủ và phát huy được vai trò, vị trí của các tổ chức hội, đoàn thể tại địa bàn dân cư, tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng. Từ cách làm này, NHCSXH đã trở thành công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Nhà nước trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo tại các địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu vay vốn của các hộ nghèo, cận nghèo nói chung và hộ nghèo, cận nghèo người DTTS nói riêng. Hộ nghèo DTTS đã được tiếp cận vay vốn đối với toàn bộ 14 nhóm chính sách thuộc tín dụng hộ nghèo, trong đó có những chính sách đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, rõ rệt. Hoạt động của NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, là công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo có điều kiện sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đoàn khảo sát cũng chỉ ra những hạn chế như: Việc cho vay vốn theo chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có hộ đồng bào DTTS chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn các nguồn vốn khác rất ít, thậm chí không có như quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. Từ đó dẫn đến nguồn lực thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hộ đồng bào DTTS, các đối tượng xã hội khác còn hạn chế nên mức độ bao phủ chưa toàn diện, chưa tiếp sức cho các hộ muốn thoát nghèo phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.
Chưa rõ trách nhiệm chủ trì và phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn (khuyến công, nông, lâm, ngư…) trong việc thực hiện trách nhiệm dạy nghề, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ vay vốn, nên hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do có khá nhiều chính sách vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nên sự kết nối giữa các chính sách còn khó khăn. Một số chính sách áp dụng chung trên toàn quốc, nên chưa phù hợp các loại đối tượng, nhất là về điều kiện vay vốn, định mức và lãi suất vay…
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có một số đề xuất, kiến nghị nguồn vốn của NHCSXH chủ yếu sử dụng từ ngân sách nhà nước, vì vậy, đề nghị Quốc hội trong quyết định ngân sách hàng năm cần giao trực tiếp, tăng vốn và linh hoạt vốn cho NHCSXH. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Có như vậy đối tượng chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo mới có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Chính phủ cũng cần có kế hoạch tăng nguồn vốn cho vay qua NHCSXH. Bố trí cấp bổ sung vốn Điều lệ hàng năm cho NHCSXH theo nội dung Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số đề nghị cấp bổ sung hàng năm tương ứng tỉ lệ tăng tín dụng năm theo kế hoạch được giao. Bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách nhà nước cấp, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của chương trình. Tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp nhận nguồn vốn ODA để tạo lập nguồn vốn ổn định lâu dài, lãi suất thấp để tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành, trên cơ sở đó xác định chính sách nào cần tiếp tục thực hiện, chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung và chính sách nào nên kết thúc theo hướng gọn chính sách, gọn đầu mối quản lý chính sách. Tập trung vào các chính sách cho vay ưu đãi có điều kiện, bỏ dần các chính sách cho không.
Đối với các địa phương, Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các ngành thực hiện tốt chính sách tín dụng hộ nghèo. Hàng năm bố trí đủ tỷ lệ vốn vay cho NHCSXH từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002, ưu tiên từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi để ủy thác cho NHCSXH cho vay các đối tượng hộ nghèo DTTS trên địa bàn. Quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và các mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn, cần quan tâm chú ý tới các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trước mắt và bền vững.