Công trình Thủy điện Bản Chát trên dòng Nậm Mu thuộc xã Mường Kim, huyện Than Uyên là niềm tự hào của người dân tỉnh miền núi khó khăn Lai Châu. Tuy nhiên, bà con dân tộc thuộc diện di dân tái định cư, những con người phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của cha ông mình để nhường đất cho công trình, lại đang bị lãng quên.
Chưa đảm bảo cuộc sống
Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm khi đến xã Tà Hừa, 1 trong 8 xã tái định cư của Thủy điện Bản Chát là trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã. Thật đắng lòng khi trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính công, đại diện cho cả một xã lại được đặt tại… gầm sàn của một nhà dân, nơi thường được bà con dân tộc nhốt gia súc, làm kho tích trữ nông lương...
Cán bộ xã Tà Hừa giải quyết thủ tục hành chính dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN |
Ông Lò Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Thực hiện chương trình di dân tái định cư Thủy điện Bản Chát, người dân các khu vực lòng hồ thủy điện được chuyển đến nơi ở mới. Cũng từ tháng 6/2012, trụ sở xã Tà Hừa phải chuyển địa điểm. Song do chưa có vốn đầu tư xây dựng trụ sở, xã đã thuê tạm hai gầm sàn ở bản Khì để làm việc, trong đó một gầm sàn là nơi làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các ngành thuộc khối UBND xã, một gầm sàn nữa là nơi làm việc của 5 đoàn thể xã, công an và xã đội trưởng. Phải làm việc trong cảnh tạm bợ, các cán bộ xã Tà Hừa gặp nhiều bất tiện khi tiếp công dân, họp hành và bảo vệ tài sản của xã. Trường mầm non, trường tiểu học và trạm y tế xã cũng vẫn phải đi thuê nhà dân.
Việc di dân tái định cư cũng gây hệ lụy không nhỏ cho việc canh tác lúa của bà con vùng cao. Theo báo cáo, quá trình thi công Thủy điện Bản Chát đã làm ngập 61 ha đất lúa hai vụ và 10 ha đất lúa mới được người dân khai hoang. Số tiền đền bù cho người dân là khoảng 18.000 đồng/m2. Trong khi đó, muốn có đất canh tác, người dân nơi đây phải tự mua với giá khoảng 60 triệu đồng/sào (1.000 m2). Như vậy, cả tiền đền bù nhà lẫn đền bù ruộng cũng không đủ để người dân mua ruộng mới để canh tác. Hơn nữa, đến nay chủ đầu tư dự án di dân tái định cư Thủy điện Bản Chát vẫn còn nợ 24 hộ dân thuộc bản Khì Trên, chuyển đến bản Cáp Na 2 tiền đền bù tổng cộng hơn 7 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về sinh hoạt của nhân dân khi chuyển về nơi sinh sống mới, ông Lò văn Pụa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện toàn xã còn hai bản Tà Hừa và Pha Mu vẫn chưa được sử dụng điện, mặc dù đã có đường điện chạy qua. Nguồn nước sinh hoạt cũng chỉ có một nên có lúc bị thiếu hụt, người dân phải dùng xe máy thồ nước về dùng.
Nguyên nhân do đâu?
Công trình Thủy điện Bản Chát gồm hai dự án: Thi công xây dựng nhà máy thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; di dân tái định cư dự án thủy điện do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư. Theo Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/6/2009, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án Thủy điện Bản Chát, số hộ dân phải di chuyển là 2.661 hộ với 15.738 nhân khẩu. Kinh phí cho công tác di dân tái định cư được phê duyệt là trên 1.798 tỷ đồng.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 5/11/2013, trong đó điều chỉnh mức đầu tư dự án hơn 5.052 tỷ đồng so với mức 2.386 tỷ đồng của năm 2009. Như vậy, nguồn vốn điều chỉnh tăng dành cho dự án di dân tái định cư Thủy điện Bản Chát lên tới hơn 1.882 tỷ đồng. Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân tái định cư nơi đây, trong khi chờ nguồn kinh phí từ điều chỉnh quy hoạch mới này được phân bổ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định rót thêm 150 tỷ đồng cho công tác di dân tái định cư.
Tuy vậy, cũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu, đơn vị chủ quản đầu tư dự án này gồm ông Lê Xuân Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cùng các cán bộ trực tiếp quản lý dự án về quá trình thực hiện công tác di dân tái định cư, các cán bộ phụ trách quản lý dự án đã tỏ ra lúng túng và thiếu chuyên nghiệp, khi được hỏi về những số liệu chi tiết của quá trình di dân tái định cư và những khó khăn của đồng bào tại nơi ở mới. Điều này đã thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác quản lý dự án, cũng như sự thiếu quan tâm, sâu sát tới đời sống đồng bào dân tộc vùng cao đang phải chịu rất nhiều khó khăn, khi phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn hàng ngàn năm của ông cha mình để đến nơi ở mới.
Ông Lê Xuân Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Dự án Thủy điện Bản Chát là công trình quan trọng của quốc gia và là niềm tự hào của tỉnh Lai Châu. Dự án đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với tầm vóc như vậy, UBND tỉnh Lai Châu với tư cách là cơ quan chủ quản đầu tư sẽ từng bước khắc phục những khó khăn về nguồn vốn, tạo lập cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn cho đồng bào vùng cao.
Nhưng đây mới chỉ là lời hứa, còn việc thực hiện vẫn là câu chuyện của tương lai.
Nhìn những cặp mắt ngơ ngác của những đứa trẻ sống ở nơi cách khu vực sản xuất điện có vài trăm mét khi được hỏi về "điện", chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi những quyền lợi tối thiểu của người dân nơi đây đang bị quên lãng. |
Thu Phương