Đàm phán hạt nhân Iran và những điều cần biết

Sau gần 11 năm ròng rã với hàng loạt vòng đàm phán căng thẳng, Iran và nhóm 6 cường quốc thế giới ngày 14/7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử trong nỗ lực hạn chế các chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là điều gì đang bị đe dọa? Thỏa thuận này mang ý nghĩa gì? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Dưới đây là một số lời giải đáp cho những câu hỏi trên của hãng tin CNN.

Thỏa thuận này là gì?

Các quan chức ngoại giao của Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức cuối cùng đã hoàn tất một thỏa thuận với Iran, nhằm ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế song song với việc tiếp tục phát triển một chương trình hạt nhân hòa bình.

Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc thế giới, bên cạnh đó lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa. Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng bảo an LHQ ra Nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.

Đại diện của Nhóm P5 +1 và Iran sau vòng đàm phán. Ảnh: AFP


Chi tiết về thỏa thuận?

Văn bản cuối cùng vẫn chưa được công bố và đại diện của các bên vẫn đang ngồi trong bàn đàm phán marathon tại Vienna, Áo. Hãng thông tấn ISNA của Iran cho biết thỏa thuận này dài tới 100 trang và cần tới 5 trang phụ lục.

Một bản thông báo chính thức sẽ được đại diện các bên công bố sau cuộc họp.

Tại sao đàm phán lại kéo dài?

Cuộc đàm phán đã gặp chướng ngại lớn nhất vào hôm thứ 13/7 khi Iran yêu cầu được dỡ bỏ lệnh cấm về phát triển vũ khí thông thường cùng với các loại tên lửa. Phía Nga đã ủng hộ yêu cầu của Iran nhưng các quan chức Mỹ phản đối.

Mối nguy hiểm là gì?

Thỏa thuận hạt nhân này vẫn để lại trong lòng các nước phương Tây và Israel mối lo ngại rằng vũ khí hạt nhân của Iran sẽ leo thang và gây rối loạn ở Trung Đông. Quốc gia này đã nhiều lần bị cáo buộc là tài trợ vũ khí cho các lực lượng khủng bố.

Những đề xuất gì đã được đưa ra?

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã đề ra một thỏa thuận nhằm cắt giảm mối lo Iran sử dụng công nghệ hạt nhân để tạo ra bom nguyên tử trong suốt một thập kỷ qua. Nhóm P5+1 yêu cầu được thanh sát các nhà máy hạt nhân của Iran. Về phần Tehran, Iran muốn các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này được chấm dứt ngay lập tức, ngay khi thỏa thuận được ký kết và mong muốn thỏa thuận này sẽ bảo toàn quyền phát triển chương trình hạt nhân với mục đích hòa bình.

Liệu giá nhiên liệu có bị ảnh hưởng?

Chắc chắn có. Sau diễn biến lịch sử của cuộc đàm phán ở Vienna ngày 14/7, giá dầu thô đã giảm ngay 2,3% xuống còn 50,98 USD/thùng. Các chuyên gia cảnh báo thỏa thuận này sẽ dẫn tới một cơn “lũ dầu” từ Iran – thị trường đang dự trữ 30 triệu thùng dầu thô và sẵn sàng xuất khẩu  khắp thế giới.

Toàn cảnh cuộc đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN


Ai mong chờ?

Iran đã rất mong đợi được thoát khỏi các biện pháp kìm kẹp về kinh tế. Những lệnh cấm vận từ quốc tế đã làm giảm đi một nửa sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhận xét: “Tôi tin tưởng đây là một thời khắc mang tính lịch sử”.


Còn phía các phái đoàn phương Tây thì hy vọng thỏa thuận này sẽ là cách tốt nhất để ngăn cản Iran trở thành một cường quốc hạt nhân.

Ai phản đối?

Đảng Cộng hòa Mỹ đã chỉ trích thỏa thuận này như một thất bại của Mỹ và các nước đồng minh. Saudi Arabia lại lo lắng về những bước đi tiếp theo để dè chừng “đối thủ trong khu vực” là Iran.

“Thỏa thuận này là một sai lầm lịch sử đối với thế giới”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố. Theo ông, nó sẽ “mở đường cho Iran đến tới một kho vũ khí hạt nhân”.

Các giáo sĩ bảo thủ ở Iran thì phản đối bất cứ thỏa thuận nào có động thái cấm đoán quyền tự do phát triển hạt nhân của Tehran.

Điều gì sẽ xảy đến?

Hiện một thỏa thuận đã được đúc kết. Chính quyền của ông Obama sẽ đệ trình nó lên Quốc hội. Cơ quan lập phát này có 60 ngày để xem xét thỏa thuận và đó sẽ là khoảng thời gian để các nghị sĩ đối lập có cơ hội để đào sâu vào các chi tiết của thỏa thuận nhằm công kích ông Obama.

Tại Tehran, thỏa thuận này cũng cần được ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran thông qua.

Và vấn đề các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ như thế nào vẫn còn chưa sáng tỏ.

Hoàng Trang (theo CNN)
Dư luận quốc tế hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1
Dư luận quốc tế hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1

Đại diện các nước đều đánh giá thỏa thuận "lịch sử" về hồ sơ hạt nhân của Iran vừa đạt được ngày 14/7 sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN