Lễ hội mừng lúa mới tồn tại trong văn hóa đồng bào Thái từ rất lâu đời, được bà con dân tộc Thái ở các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An mang theo trong hành trình di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp.
Đồng bào Thái quan niệm, để có một mùa vụ bội thu thì sự phù hộ của đất trời, các vị thần linh cai quản ruộng đồng là rất quan trọng. Do vậy, mỗi độ thóc, lúa ngoài đồng đã chín thơm nồng, bà con lại làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất.
Lễ hội mừng lúa mới diễn ra trong một ngày, mở đầu là phần lễ, do già làng tiến hành cúng, trình lễ vật dâng lên trời đất, tổ tiên, các vị thần linh. Tiếp đến là phần hội, với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Diễn tấu cồng chiêng, múa mừng lúa mới, múa xòe, múa sạp; các trò chơi dân gian: Giã gạo, ném còn, tô mlẹ...
Đặc biệt thu hút du khách là phần ẩm thực với các món ăn truyền thống như: Khẩu mẩu (cốm mới), khẩu nua (xôi), khẩu lam (cơm lam), chỉn giáng (thịt bò gác bếp), pa bỉnh (cá nướng), canh môn, rượu cần…
Già làng chuẩn bị đồ lễ cho nghi thức cúng lúa mới. |
Xúng xính trong điệu múa sạp. |
Du khách cùng nhau thưởng thức rượu cần thơm ngon. |
Cùng nhau tái hiện nghi thức giã gạo. |