Người phát ngôn chính phủ Cyprus (Síp), ông Christos Stylianides, ngày 13/4 khẳng định Cyprus sẽ thực hiện hiệu quả và triệt để chương trình chống khủng hoảng đã thỏa thuận với các nhà tài trợ quốc tế nhằm phục hồi nền kinh tế nước này.
Một cửa hàng thời trang ở thủ đô Nicosia, Cyprus treo đầy biển giảm giá ngày 11/4/2013. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ông Stylianides nhấn mạnh, việc các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một ngày trước đó thông qua thỏa thuận giữa Cyprus và “bộ ba” chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giúp chấm dứt tình trạng bất ổn mà Cyprus rơi vào từ năm 2011 và nước này đã tránh khỏi phá sản.
Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone cuối tuần qua đã thông qua lần cuối gói cứu trợ dành cho Cyprus. Kết quả này đã bật đèn xanh cho quốc hội nhiều nước tiến hành thông qua gói cứu trợ trên và Cyprus có thể sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ đầu tiên vào tháng 5 tới.
Trên thực tế, ngoài gói cứu trợ 10 tỷ euro, Síp phải xoay xở 13 tỷ euro, nhiều hơn 6 tỷ so với dự kiến, để cứu nước này khỏi phá sản. Cyprus sẽ dựa vào việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, bao gồm cả việc đánh thuế rất cao những người gửi trên 100.000 euro tại ngân hàng để kiếm đủ số tiền trên. Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng, thời gian tới sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đối với Síp.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn nhận định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cyprus có thể giảm 15% trong năm 2013 - 2014. Trong khi đó, “bộ ba” chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) đánh giá con số này vào khoảng 12,5%.
Hoàng Long (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)