“Cuộc săn” ghế “nóng” của EU đã bắt đầu

Bầu cử Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, với các vị trí quan trọng sẽ được bầu mới như các chức vụ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu (EP), Hội đồng châu Âu và Đại diện cấp cao về ngoại giao của EU. Đối với các quốc gia thành viên EU, đây thực sự là một "cuộc đi săn" vì nước nào cũng muốn chiếm được chiếc ghế "nóng".

Các quan chức Hy Lạp và đại diện Ủy viên EU tại lễ chuyển giao chính thức chức Chủ tịch luân phiên EU cho Hy Lạp ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà nghiên cứu Marco Incerti thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị châu Âu cho rằng một số tiêu chí sẽ được tính đến trong cuộc chơi lần này, đó là tình hình chính trị, quốc gia tham gia tranh cử (lớn hay nhỏ, là thành viên cũ hay mới của EU), sự cân bằng về địa lý giữa các miền của châu Âu (Bắc - Nam, Đông - Tây), và cuối cùng, sự cân đối về tỷ lệ nam - nữ cũng là yếu tố được đặt lên bàn cân. Theo ông Incerti, việc bổ nhiệm một vị trí sẽ tác động đến việc chọn lựa các vị trí khác. Một quốc gia thành viên nếu không giành được gì ở tầm cỡ Liên minh thì có thể giành vị trí Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhà nghiên cứu Incerti nhận xét: "Đây thực sự là một trò chơi ghép hình".

 

Vị trí Chủ tịch EC được coi là "miếng bánh lớn nhất", vì thế các chính đảng liên Âu như Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Đảng Xã hội châu Âu (EPS), Liên minh Tự do và Dân chủ (EDU), Đảng Xanh đều cam kết trong trường hợp thắng cử sẽ chỉ định một "đầu tàu" có khả năng thay thế Chủ tịch EC đương nhiệm Jose Manuel Barroso. Như vậy, ứng viên cho vị trí này sẽ là một trong hai thành viên của "gia đình" chính trị đang ngự trị EU là EPP và EPS. EPS hiện nay đã chỉ định người đứng đầu của mình, Martin Schulz (Đức) - hiện là Chủ tịch EP - là ứng viên cho chiếc ghế này. Còn đối với EPP, hiện chưa có một cái tên cụ thể được đưa ra mà là một loạt ứng viên đang xếp hàng. Trước tiên là ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa Michel Banier (Pháp). Từng là Bộ trưởng và Nghị sĩ EP, cũng từng tham gia hai khóa EC, ông Banier đã xử lý nhiều hồ sơ tài chính trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng. Tuy nhiên, chưa biết liệu Tổng thống Pháp Francois Hollande có ủng hộ ông hay không. Ứng viên thứ hai của EPP là cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker. Cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu này chỉ trông chờ vào sự ủng hộ của những người bạn. Cũng có vẻ như tên ông sẽ không nằm trong lá phiếu của Thủ tướng Đức Merkel, người được coi là một trở ngại của ông Juncker. Vấn đề quan trọng hiện nay là quốc gia nào sẽ ủng hộ ông.


Vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ là một nhân vật quan trọng và kín đáo. Đó chính là ứng viên đang được tìm kiếm để thay thế Herman Van Rompuy. Theo nhà nghiên cứu Incerti, đây sẽ phải là một "cựu thành viên câu lạc bộ", tức là có thể là một cựu tổng thống hoặc thủ tướng đã mãn nhiệm có khả năng giữ vai trò dung hòa giữa các quốc gia thành viên. Như vậy, cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker có thể đáp ứng được vị trí này nếu ông Schulz giành được chiếc ghế Chủ tịch EC.


Người thay thế bà Catherine Ashton với vị trí Đại diện cấp cao về ngoại giao của EU sẽ do Hội đồng châu Âu chỉ định. Hiện nay, nhiều tên tuổi đang được nêu lên nhưng chưa có một cái tên cụ thể nào được công bố. Theo giới ngoại giao, vị trí của Anh cực kỳ quan trọng. Với tư cách hiện nay của mình, London sẽ thận trọng khi đưa ra một cái tên để Washington chấp nhận được.


Vị trí quan trọng cuối cùng là Chủ tịch EP. Theo truyền thống, chiếc ghế này thường dành cho một "quý ông lịch lãm" mà hai phe bảo thủ và xã hội sẽ cùng chia sẻ vị trí này suốt nhiệm kỳ của EP. Nhưng dù ứng viên thuộc phái nào chăng nữa cũng cần sự ủng hộ của phe tự do để đạt đa số đề cử cho vị trí Chủ tịch EC.


Hương Giang (Theo báo "La Libre")

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN