Cùng yêu Hà Nội với những nghệ sĩ Hà Nội

Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô cũng chính là dịp để những người nghệ sĩ đã và đang gắn bó với Hà Nội "bày tỏ" tình yêu của mình với Thủ đô. Thế nên, không bất ngờ khi đúng ngày 10/10 năm nay, sẽ có rất nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức.

 

Rong ruổi cùng nhà văn Băng Sơn


Tháng Mười Hà Nội mà nhắc tới nhà văn Băng Sơn là "hợp lẽ". Bởi sinh thời, nhà văn Băng Sơn sống gắn bó với Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng (Hải Dương), nhưng ông khởi nghiệp văn chương tại Hà Nội và từ đó, ông chưa bao giờ xa Hà Nội quá một tuần. Ông từng viết “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa.” Suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông đã chọn viết về Hà Nội, từ tác phẩm đầu tiên đăng báo năm ông 17 tuổi, cho đến khi gác bút, một sự nghiệp viết văn dài gần 60 năm... Và cùng với Thạch Lam, ông là một trong những nhà văn của phố Hà Nội, của ẩm thực Hà Nội, mà khiến mỗi người Hà Nội khi đọc văn ông đều thấy nao nao lòng như "Thú ăn chơi người Hà Nội" (4 tập), "Dòng sông Hà Nội", "Nghìn năm còn lại", "Nước Việt hồn tôi", "Đường vào Hà Nội", "Phập phồng Hà Nội", "Hà Nội 36 phố phường"...


Thế nên cũng không bất ngờ gì, khi việc ra mắt cuốn sách "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" của ông đã được Hội Nhà văn Hà Nội chọn làm sự kiện cho dịp chào mừng 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cuốn sách sẽ ra mắt đúng vào ngày 10/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.


"Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" là tuyển tập 33 tản văn viết về Hà Nội, thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn Băng Sơn, dấu ấn mà như một nhà văn đã nhận xét: "Băng Sơn chọn cách riêng viết về Hà Nội để không lẫn với Hà Nội của những nhà văn đi trước đã thành danh".


Cùng với đó là một cuộc tọa đàm mang tên "Băng Sơn- Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức, với sự góp mặt của những tham luận và ý kiến của các nhà văn đương thời về những đóng góp của nhà văn Băng Sơn cho Hà Nội. Một phần con người và sự nghiệp của nhà văn cũng sẽ được tái hiện qua góc trưng bày các kỷ vật về ông do gia đình cung cấp. Đó là chiếc máy chữ gắn bó với ông suốt cuộc đời, những bản thảo, những tác phẩm… Đặc biệt, những ký họa nguyên bản của họa sĩ Việt kiều Nguyễn Trường đã được sử dụng để minh họa sách "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh".


Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn (1932 -2010), quê cha ở Bình Lục (Hà Nam), quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội). Ông sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng (Hải Dương), khởi nghiệp văn chương ở đất Hà thành. Ông có thơ đăng báo năm 17 tuổi. Sau năm 1975 ông quyết định thôi làm thơ, chuyển hẳn sang văn xuôi và chọn tùy bút làm sở trường. Ông tự đánh giá: "Tùy bút gần gũi với thơ; và thơ biểu đạt xúc cảm về đời sống là chính, và viết một bài tùy bút xong, không mất quá nhiều công phu như tiểu thuyết hay truyện ngắn".


Nhà văn Băng Sơn từng được trao tặng nhiều giải thưởng. Năm 2009 ông được chọn là một trong ba đề cử của giải thưởng "Giải thưởng lớn" trong giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).


Và ngắm nhà Tây ở Hà Nội


Cũng đúng ngày 10/10, một cuộc triển lãm mang tên "Nhà Tây biến hình" sẽ khai mạc tại Manzi Gallery (14 Phan Huy Ích, Hà Nội). Cuộc triển lãm với sự góp mặt của hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế, với "hành trình khám phá giá trị vật chất và tinh thần của cảnh quan đô thị Hà Nội thế kỉ 21".


Theo đánh giá của người trong giới, với "Nhà Tây biến hình", Nguyễn Thế Sơn tiếp tục mở rộng dự án nghiên cứu về “Sự biến đổi của cảnh quan đô thị” mà anh đã tiến hành gần 10 năm nay, thông qua các dự án cá nhân của mình với các mô hình nhà 3D...


Còn Trần Hậu Yên Thế, anh lại đưa thêm một "lát cắt lịch sử" vào hành trình khám phá những ngôi nhà Tây của Hà Nội. Theo dấu những tấm bản đồ và 4.577 bức tranh mô tả mọi khía cạnh đời sống người dân An Nam mà học giả người Pháp Henri Oger đã cho vẽ trong những năm 1908-1909, Yên Thế đã tạo ra "lát cắt" riêng của mình khi phân tích đời sống đô thị qua bộ mặt "nguyên thủy" của các biệt thự. Qua nghiên cứu này, Yên Thế đã tái tạo những chi tiết nguyên bản của các ngôi nhà qua các bức vẽ trên giấy dó truyền thống của Việt Nam.


Và những bức vẽ giấy dó ấy sẽ song hành với các tác phẩm 3D của Sơn, tạo nên một sự mô tả đầy đủ về sự chuyển đổi của những căn nhà Tây qua năm tháng. Cùng với đó, là những "hệ lụy" mà đời sống hiện đại đem lại. "Người xem sẽ tự cảm nhận và có những suy ngẫm riêng của mình về việc nên bảo tồn một Hà Nội như thế nào, nên giữ gì và nên để những gì "biến hình", đó là điều mà triển lãm này hướng tới", đại diện của Manzi chia sẻ.


Anh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN