Thời gian gần đây, một số địa phương phía Nam xuất hiện dịch cúm gia cầm. Do đó, để phòng bệnh này, bà con cần thực hiện một số biện pháp sau:
*Đường lây truyền: Virút cúm gia cầm dễ dàng phát tán ra môi trường qua chất thải của gia cầm bệnh; truyền từ nơi này đến nơi khác do vận chuyển gia cầm bệnh hoặc mang mầm bệnh, do con người, phương tiện vận chuyển...
Virút cúm có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của gia cầm bị bệnh. Điều kiện ngoại cảnh có ảnh hưởng rõ rệt đến sức đề kháng của virút cúm H5N1. Virút thường sống lâu hơn trong tế bào sống hoặc môi trường hữu cơ ở điều kiện lạnh.
Những chất sát trùng thông thường tiêu diệt được virút cúm gia cầm như: Iodine 1-2%, xút 2%, crezin 5%, Chloramin B 3%, cồn 70 - 900, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc… Bà con có thể dùng các chất này để tẩy uế chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi khi cơ sở chăn nuôi bị dịch cúm gia cầm đe dọa.
*Triệu chứng và bệnh tích của bệnh
Về triệu chứng ở gà: Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày kể từ khi nhiễm virút đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Gà sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở, chảy nước mắt, nước dãi, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân; da tím bầm, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết rất nhanh. Có biểu hiện thần kinh như: Đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, ngoẹo đầu, đi quay vòng. Gà bị tiêu chảy mạnh, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh. Gà đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, thậm chí đẻ trứng không có vỏ. Trong một số trường hợp do bệnh bùng phát nhanh, trước khi chết con vật không có biểu hiện lâm sàng.
Về triệu chứng ở vịt, ngỗng: Vịt và ngỗng có triệu chứng ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy, các xoang thường có hiện tượng sưng, tích nước. Nhiều trường hợp vịt nhiễm virút cúm gia cầm và bài thải virút ra ngoài khi không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và bệnh tích.