Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP và những lưu ý cho doanh nghiệp về hợp đồng kinh doanh quốc tế do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng 18/4.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho rằng, CPTPP là một hiệp định thương mại thế hệ mới, toàn diện, quy định chặt chẽ ở hầu hết các lĩnh vực, do đó tác động của nó mạnh mẽ và toàn diện hơn nhiều so với các FTA thế hệ cũ. Đặc biệt, trong số các lĩnh vực được điều chỉnh, lĩnh vực chịu ảnh hưởng đáng kể từ CPTPP chính là thương mại hàng hóa. Với những ưu đãi và cả những yêu cầu khắt khe, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hiện nay đang chịu nhiều sự chi phối bởi hiệp định CPTPP.
Ông Phạm Thiết Hòa chỉ rõ, trong 10 thành viên khối đối tác CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018.
Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Với dung lượng thị trường lớn cộng với mức chênh lệch ưu đãi về thuế trước và sau khi có CPTPP khá lớn, Canada, Mexico sẽ là những thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như da giày, dệt may, thủy sản, đồ gỗ được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nếu tận dụng tốt các ưu đãi.
Nhiều cơ hội mở rộng thị trường cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn các hoạt động thương mại quốc tế và đối mặt với những thử thách, rủi ro do khác biệt về ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh khi bước ra sân chơi lớn. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn khi đàm phán, thiết lập hợp đồng, hạn chế tối đa rủi ro về pháp lý và tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.
Luật sư Trần Xuân Chi Anh, Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT nhận định, khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các đối tác còn lại trong khối sẽ càng chặt chẽ hơn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng dần. Việc xuất nhập khẩu được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với việc các sai sót, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều; trong số đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp là các ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông sản, gỗ, dệt may.
Luật sư Trần Xuân Chi Anh nhấn mạnh, để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại như chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao - nhận… mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý như luật áp dụng, các điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, điều này dễ đưa doanh nghiệp đến “ngõ cụt” khi phát sinh mâu thuẫn. Để hạn chế tình trạng trên, ngay ở giai đoạn đàm phán, doanh nghiệp Việt cần chủ động thỏa thuận với đối tác về những thành phần này như một cách thức phòng ngừa trước với tranh chấp có thể xảy ra.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), phân tích, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế là chưa am hiểu kỹ về luật pháp quốc tế, luật pháp của nước đối tác, không có bộ phận pháp lý hỗ trợ dẫn đến việc soạn thảo hợp đồng với các điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với hoàn cảnh thực hiện hợp đồng hoặc giao phó cho đối tác soạn thảo hợp đồng và không xem xét kỹ trước khi ký kết.
Theo ông Bắc, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường mới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu pháp luật thương mại quốc tế, quy định riêng của từng quốc gia mà mình hợp tác để có cơ sở soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, hợp lý. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các điều khoản về giải quyết nếu xảy ra tranh chấp như cơ quan giải quyết, trọng tài hay tòa án, cơ sở pháp luật để giải quyết là luật nào, ngôn ngữ và cả các điều khoản miễn trừ trách nhiệm để hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại có thể xảy ra khi giao dịch với đối tác.