Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì Họp báo về kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN |
Cách đây đúng một năm, vào tháng 3/2017, trong khuôn khổ cuộc đối thoại cấp cao do Chile đăng cai tổ chức ở thành phố Viña del Mar, 11 nền kinh tế còn lại tham gia ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) đã thảo luận những bước đi đầu tiên nhằm “cứu” thỏa thuận tự do thương mại được coi là đầy tham vọng này sau khi Mỹ rút lui.
Với nỗ lực và quyết tâm rất lớn, 11 nước gồm Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam đã sát cánh để giải quyết những tồn tại, mở đường cho sự ra đời của một thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên nền tảng cơ bản của TPP, dự kiến được chính thức ký kết tại thủ đô Santiago de Chile vào ngày 8/3.
Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới những năm gần đây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc CPTPP ra đời được coi là một bước tiến lớn, tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình Dương, đồng thời giúp vượt qua những thách thức của chủ nghĩa bảo hộ. Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz từng tuyên bố thỏa thuận này sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, và tăng cường hợp tác giữa các nước trong khối.
Các nhà lãnh đạo của 11 nước tham gia đàm phán CPTPP đều bày tỏ quyết tâm thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và đem lại lợi ích không chỉ của các nước tham gia, mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới. Sự ra đời của một hiệp định tự do thương mại mang tính bao trùm như CPTPP chứng tỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang đi đầu trong liên kết và hội nhập kinh tế.
Nó cũng cho thấy trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, một hệ thống thương mại đa phương tự do trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi sẽ là giải pháp hữu hiệu đưa các nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng, giúp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế, môi trường và xã hội trong thế kỷ 21, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi đó, các rào cản thương mại và cạnh tranh không lành mạnh không chỉ ảnh hưởng tới sự liên kết của các quốc gia mà còn khiến cho các đối tác mất lòng tin với nhau.
Chính Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, trong một phát biểu gần đây đã khẳng định, những nước lựa chọn chủ nghĩa bảo hộ hoặc một nền kinh tế bảo hộ, tự cô lập mình với sự phát triển toàn cầu, trên thực tế rất khó có thể đạt được những thành công đem lại sự phồn thịnh cho xã hội
CPTPP được hoàn tất thể hiện quyết tâm của tất cả 11 nước tham gia đàm phán nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước, không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, vì thế cũng là cơ hội và động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội.
CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực, như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, tài sản trí tuệ, kinh tế số và an ninh mạng.., được đánh giá có thể tạo ra một tiêu chuẩn cơ bản cho các thỏa thuận thương mại trong thế kỷ 21. So với phiên bản gốc TPP, nội dung CPTPP về cơ bản vẫn giữ các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ.