“Công xưởng sản xuất trẻ em” ở Ấn Độ

Tại một trung tâm y tế lớn ở Ấn Độ, hàng trăm phụ nữ được trả khoảng 5.000 bảng (khoảng 160 triệu đồng) mỗi người để mang thai những đứa con của các cặp đôi phương Tây, những người khao khát được làm cha làm mẹ.

Bác sĩ Patel (giữa), người điều hành việc "mang thai hộ" cho phụ nữ nghèo Ấn Độ.


“Công xưởng trẻ em” đầu tiên trên thế giới này đang được xây dựng tại thành phố nhỏ Anand, bang Gujurat, để chăm sóc cho hàng trăm phụ nữ nghèo, những người được trả tiền để mang thai hộ các cặp đôi nước ngoài không có khả năng sinh nở. Thông qua chương trình này, gần 600 cặp đôi đã được thỏa ước nguyện làm cha làm mẹ của chính những đứa con thừa hưởng gien di truyền của họ.


Với việc xây dựng “công xưởng trẻ em”, những ông bố bà mẹ tương lai sẽ có thể gửi tinh trùng hoặc phôi thai đến trước cho trung tâm này. Sau đó, phôi của các cặp bố mẹ nước ngoài sẽ được đưa vào tử cung của người mang thai hộ. Hai tuần sau, các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để kiểm tra kết quả. Nếu thành công, những ông bố bà mẹ kia có thể đến thăm nom và đón con sau khi chúng cất tiếng khóc chào đời.


Trung tâm y tế trị giá hàng triệu bảng này sẽ có những căn hộ tự phục vụ dành cho các cặp đôi phương Tây trong các chuyến viếng thăm, một tầng dành cho những thai phụ mang thai hộ, các văn phòng, phòng sinh đẻ, một khoa thụ thai, nhà hàng và cả một cửa hàng tặng phẩm.


Vị bác sĩ đứng sau việc xây dựng trung tâm hiện đại này là bà Nayna Patel, người hiện đang điều hành một trung tâm y tế hoạt động bí mật, nơi chăm sóc cho khoảng 100 phụ nữ mang thai hộ. Với công việc này, bác sĩ Patel trả cho mỗi người mẹ Ấn Độ mang thai hộ khoảng 4.950 bảng và nhận được 17.250 bảng từ những cặp bố mẹ giàu có đang muốn có con.


Tuy nhiên, theo vị nữ bác sĩ, công việc tổ chức mang thai hộ này không hề dễ dàng. Bà tiết lộ đã nhận được những lời đe dọa đến tính mạng cũng như đã phải đối mặt với những lời buộc tội bóc lột người nghèo vì lợi nhuận. Bà thừa nhận, nhiều người cho rằng bà là con người gây ra nhiều tranh cãi và vẫn có những luận điệu cho rằng công việc mà bà đang làm là buôn bán trẻ em, là tạo ra một công xưởng sản xuất trẻ sơ sinh.


Dẫu vậy, với sự quả quyết của mình, bác sĩ Patel khẳng định bà đang thực thi nhiệm vụ bênh vực bình quyền cho phụ nữ và cho rằng “việc mang thai hộ có nghĩa là một người phụ nữ đang giúp đỡ một người khác”.


Papiya, một bà mẹ mang thai hộ, đang chờ đợi sẽ hạ sinh hai bé song sinh cho một cặp đôi người Mỹ, cho biết cô dự định sẽ dùng khoản tiền có được để tậu một căn nhà mới cho gia đình. Tương tự Papiya, Vasanti cho hay cô đã có thể cho con gái đi học tại một trường học tốt, sử dụng tiếng Anh bằng chính số tiền cô kiếm được nhờ công việc "đỡ đần" các cặp đôi phương Tây. Thêm vào đó, cô còn có thể xây một ngôi nhà mới cho gia đình.


Đối với những người đã được làm cha làm mẹ từ chương trình này, có lẽ không còn niềm vui nào to lớn hơn được bế đứa con trong tay mình. Cô Barbara, người đã cố gắng trong 30 năm để có được niềm hạnh phúc giản dị của người phụ nữ, giờ đây đã là mẹ của một cậu con trai. Cô nói: “Việc không thể có con là một vấn đề y tế. Nếu những người được sinh ra với thị lực yếu có thể có được những chiếc kính mắt chữa thị lực, và những người mắc bệnh tiểu đường được tiếp insulin thì tại sao chúng tôi không thể có được biện pháp y tế cho vấn đề của mình?”.


Anh Minh (theo D.M)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN