Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Nghị quyết T.Ư 7 về tam nông được coi là quyết sách hàng đầu, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua 5 năm triển khai nghị quyết này, đến nay đời sống của người dân nông thôn đã có sự “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, nghị quyết này vẫn chưa tạo ra bước nhảy thần kỳ cho ngành nông nghiệp.
Bước đầu “thay da đổi thịt”
5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã tăng lên mức gần 20 triệu đồng/người/năm, gấp 2,1 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết năm 2013 còn 12,6%; giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008.
Hà Nội đang đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.Đình Huệ - TTXVN |
Khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng có nhiều chuyển biến tích cực về hình thức tổ chức sản xuất khi hình thành nhiều trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhiều hợp tác xã kiểu mới ra đời hoạt động hiệu quả. Trong giai đoạn 2009 - 2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã lan tỏa, nhân rộng ra 43 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 100.000 ha trồng lúa.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng trên cả nước. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Đến nay, cả nước đã có 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch; 79,2% số xã lập đề án xây dựng NTM. Cũng trong 3 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 105.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Theo mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 7 đặt ra đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm; thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; lao động trong nông nghiệp còn khoảng 30%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn NTM là khoảng 50%. |
Về mặt xã hội, hiện có trên 2,5 triệu đối tượng ở nông thôn được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, tăng 250.000 người. Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 10,3 triệu người, tăng 24,1% so với năm 2008.
Có thể nói, chương trình NTM bước đầu đã đem lại diện mạo mới cho làng quê Việt Nam, giúp đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể. Kết cấu kinh tế hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển sản xuất, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Khó khăn vẫn chồng chất
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp đang có xu hướng chậm lại, nông nghiệp vẫn phát triển theo chiều rộng; thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp; nông thôn vùng núi còn chậm chuyển biến, cơ sở hạ tầng còn yếu kém; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, phong trào xây dựng NTM thực hiện còn chậm, nguồn lực thiếu và chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, nhiều tiêu chí đạt được rất thấp, đến hết năm 2013 mới có 8,9% số xã đạt tiêu chí giao thông; 26% số xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi; 6,7% số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Với đà này, rất khó để hoàn thành mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015.
Theo Ban chỉ đạo chương trình tam nông, thu nhập của cư dân nông thôn còn thấp, nhiều vấn đề bức xúc ở nông thôn chậm được giải quyết. Đáng chú ý, năm 2013, có trên 42.700 hộ dân bỏ ruộng không canh tác trên diện tích hơn 6.880 ha; 3.407 hộ trả ruộng với diện tích 433 ha do sản xuất nông nghiệp nhiều rủi do, lợi nhuận thấp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp, ngành còn xem nhẹ vị trí, vai trò của tam nông. Nhà nước chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp, cho phát triển nông nghiệp, trong khi ngân sách còn hạn hẹp; khâu tổ chức lại sản xuất chưa được thực hiện tích cực... Không những thế, nhiều vấn đề bức xúc ở nông thôn chậm được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn giảm cả về tỷ trọng và giá trị. Nếu như năm 2008 tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp là 6,4% thì đến năm 2012 còn 5,2%. Mức đầu tư này chỉ đáp ứng được 65 - 75% so với yêu cầu. Nguồn lực đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp còn thấp, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp giảm từ 1,4% xuống còn 0,8% (giai đoạn 2009 - 2013).
“Gần đây tín dụng cho nông nghiệp, nông dân tăng chậm lại, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì hầu như không tăng. Đáng chú ý hơn, gần đây xuất hiện tình trạng nông dân chán ruộng”, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Theo ông Cường, nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đi lên từ nông nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho rằng, muốn làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc phải làm đầu tiên là đi lên từ nông nghiệp, rồi từ nông nghiệp mà lan tỏa ra các lĩnh vực khác. Do đó, nước ta phải xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh.
“Nông nghiệp phải là bà đỡ của nền kinh tế. Ông cha vẫn thường nhắc ‘phi nông bất ổn’. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những địa phương chỉ nặng về phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà ít quan tâm đến nông nghiệp. Đây là quan điểm sai lầm”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sẽ yêu cầu cả nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; đồng thời nâng cao đời sống cho nhân dân cả về vật chất và tinh thần.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, ngoài các chương trình, kế hoạch cụ thể, TP Hà Nội đã có cuộc “cách mạng” tập trung cho công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, các chương trình phát triển sản xuất hàng hóa và nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho nông nghiệp, nông thôn.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã đầu tư trên 50.000 tỷ đồng cho khu vực ngoại thành. “Cần phải có những quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng NTM theo vùng. Đồng thời, việc sớm đưa ra những chính sách doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân là yếu tố quan trọng để nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững”, ông Việt cho biết.
Ban chỉ đạo chương trình tam nông cho rằng, để thúc đẩy nền nông nghiệp tiến nhanh trong những năm tới, không có cách nào khác là tập trung đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương phải đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phải tiếp tục rà soát quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Mỗi địa phương phải xác định các lĩnh vực ưu tiên, có thế mạnh, làm cơ sở lựa chọn, hình thành các chương trình, dự án để tập trung thực hiện.
Phi Sơn