Đó là một trong những nội dung được Bộ Tài chính soạn thảo tại dự thảo Nghị định về hoá đơn (sửa đổi), thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (NĐ 51) ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP (NĐ 04) ngày 17/1/2014 của Chính phủ, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Ảnh minh họa nguồn Internet. |
Theo Bộ Tài chính, để phát triển mở rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thì cần hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn. Trong đó, việc cơ quan thuế bán hóa đơn cho doanh nghiệp mới thành lập thực hiện trong thời gian 6 tháng và trong thời gian này, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Đối với một số trường hợp không có nhu cầu mua hóa đơn quyển mà sử dụng ít thì đề xuất cơ quan thuế sẽ cấp lẻ hóa đơn do cơ quan thuế tự in để sử dụng.
Để có căn cứ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá thực tiễn tình hình thực hiện NĐ 51 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện NĐ 51 cho đến nay.
Sau gần 7 năm thực hiện NĐ 51 về hoá đơn và các văn bản hướng dẫn, đã chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn của doanh nghiệp từ cơ chế “mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “doanh nghiệp tự đặt in, tự in hóa đơn” để sử dụng và chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn (giấy) của cơ quan thuế bằng việc phân quyền cho cục Thuế các địa phương được đặt in hóa đơn bán cho các tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh.
Quy định tại NĐ 51 đã tạo ra sự đổi mới trong việc trao quyền tự chủ về hóa đơn cho các doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý hóa đơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, NĐ 51 về hoá đơn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn của NĐ 51 áp dụng đối với hóa đơn giấy đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg, với nội dung cơ bản thực hiện hoá đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế.
NĐ 51 chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến áp dụng hoá đơn điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến nên một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp, thực tế không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, hoặc không kê khai nộp thuế để trốn thuế...
Theo đó, Nghị định về hoá đơn (sửa đổi) sẽ quy định chính về hoá đơn điện tử trên cơ sở kế thừa những quy định chung về hóa đơn đã được quy định tại NĐ 51 nhưng sẽ có một số thay đổi.