Cô gái dân tộc Mông và khát vọng xóa mù chữ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm Trung tâm hỗ trợ giáo dục phát triển cộng đồng (CECD) tại thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai), do cô gái người Mông là Tẩn Thị Su mở cách đây khoảng 2 năm, đang thu hút 80 học viên, chủ yếu là các con em đồng bào dân tộc thiểu số đến học cái chữ.

Vươn lên từ tự học

Tẩn Thị Su sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Không có điều kiện đến trường học chữ, Su hàng ngày bán hàng cho khách du lịch. Bằng sự nhạy bén và tự mày mò học, Su nói, viết tiếng Việt và tiếng Anh thành thạo. Từ bán hàng rong, Su chuyển sang nghề làm hướng dẫn viên giới thiệu chính bản sắc dân tộc của quê hương. Năm nay, Su mới 26 tuổi nhưng đã có thâm niên 15 năm làm nghề hướng dẫn.

Lớp học xóa mù chữ Trung tâm CECD.


Su tâm sự, từ chính sự bươn chải trong cuộc sống mưu sinh của mình, nhận thấy học cái chữ rất quan trọng, phải biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để giao tiếp với cộng đồng và du khách thì mới có cuộc sống ấm no, Su đã quyết tâm mở Trung tâm CECD để hỗ trợ dạy chữ cho các em. Trước đây Su cũng có hoàn cảnh như các em, nên đã thấu hiểu những nỗi vất vả của các em, những sự thiệt thòi khi không được cắp sách đến trường.

Nghĩ là làm, Tẩn Thị Su mở lớp học xóa mù chữ cho trẻ em dân tộc trong vùng. Hồi mới mở, lớp chỉ có hơn chục em. Người nọ mách người kia, đến nay trung tâm có khoảng 80 em theo học; trong đó có 30 em lưu lại trung tâm, còn lại thì vẫn sáng đến học, chiều về nhà. “Các em hầu hết là nhà nghèo nên mình phải tự lo huy động hỗ trợ cho các em. Vì nghèo mới không được đi học cái chữ, lại lang thang lên đây bán hàng rong, khổ lắm. Tất cả các học viên đều được học miễn phí và hỗ trợ ăn ở. Giờ lớp đông nên nỗ lực chạy ăn từng bữa”, Su cho hay.

Dạy cả kỹ năng sống

Trung tâm CECD, tên tiếng Mông là “Sa Pa Ô châu” (Xin chào Sa Pa), nằm bên con đường Hoàng Liên hun hút, được thuê lại của một hộ tư nhân vừa là nơi ăn ở, vừa là nơi học hành của hàng chục em nhỏ dân tộc hiếu học. Sáng học tiếng Anh do giáo viên tình nguyện người nước ngoài đứng lớp, tối học tiếng Việt do một số cô giáo tình nguyện đến từ các trường xung quanh phụ trách.

Có dịp dự lớp học chữ buổi tối, chúng tôi mới thấy sự ham học của các em. Cô gái Trần Tuyết Hạnh, một giáo viên tình nguyện đang giúp các em ôn tập các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Để các em dễ tiếp thu, cô Hạnh thường lấy ví dụ cụ thể là những đồ vật thiết thực trong cuộc sống của các em như tuần trước bán được 315 kg thóc, tuần này bán được 425 kg thóc, tổng cộng 2 tuần bán được bao nhiêu? Hoặc như khi các em lên bảng viết chữ bị dòng lên dòng xuống, cô giáo Hạnh lại yêu cầu viết thẳng hàng, không đi lên đi xuống như leo xuống dốc. Hạnh tâm sự, cô dạy trường tiểu học cách thị trấn Sa Pa khoảng 10 km, nhưng nhà ở thị trấn, và hàng tối vẫn đến kèm lớp học xóa mù chữ cộng đồng.

“Dạy các em không khó, nhưng với lớp học đặc trưng này, bên cạnh dạy lý thuyết, còn phải dạy các em kỹ năng sống tập thể để các em hòa nhập với cộng đồng. Hơn nữa, để hiểu các em, các thầy cô giáo còn phải biết một ít vốn từ dân tộc để giảng giải cho các em thuận tiện. Kinh nghiệm cho thấy, một số em đi bán hàng cho khách nước ngoài, nói tiếng Anh còn thạo hơn tiếng Việt”, cô Hạnh cho biết.

Các lớp học này không chỉ trang bị cho em kiến thức xóa mù chữ, mà còn đào tạo kỹ năng sống. Học xong cái chữ là cần học nghề, nên sau khi có thể đọc viết thông thạo, hơn chục em được Su tiếp tục gửi vào các trường trung cấp, hướng nghiệp. Để áp dụng những kỹ năng đã học, Su đang có kế hoạch mở quán cà phê Sa Pa Ô châu để các em ứng dụng kỹ năng nghề nghiệp về dịch vụ, giao tiếp với khách hàng và có thêm thu nhập.

Quan sát lớp học xóa mù của Trung tâm CECD khá đặc biệt, các em có nhiều lứa tuổi, từ 10 tuổi đến 20 tuổi; vì điều kiện gia đình khó khăn không được đến trường, có em phải bỏ học dở chừng, tuy nhiên các em đều khát khao học cái chữ. Su cho biết, lớp học ôn tập hôm nay chỉ có 15 em, còn khoảng chục em nữa đang về thi lớp xóa mù chữ tại xã. Một trung tâm cộng đồng tự lo mọi thứ, từ việc thuê nhà để có chỗ dạy học, lo chạy cơm từng bữa cho các em khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Nguồn kinh phí từ đâu?

Kinh phí hoạt động của trung tâm chủ yếu là nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, du khách. “Có nhiều du khách, khi nghe giới thiệu về mô hình xóa mù chữ và sự ham học của các em nhỏ nơi đây đã ủng hộ kinh phí cho trung tâm. Rất nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến dạy học và giúp đỡ trung tâm bằng nhiều hình thức khác nhau”, Su cho biết, “Hiện một số tổ chức phi chính phủ như tổ chức SNV (Hà Lan) cũng đang hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho trung tâm”.

Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và những hiểu biết về văn hóa cũng như kiến thức xã hội của Su, không ai nghĩ rằng cô chưa từng được đến trường. Hiện Su đang theo học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sa Pa để sau này không chỉ làm quản lý mà còn dạy các em học cái chữ, kỹ năng sống. Với Su, giúp được nhiều người chính là niềm vui của cuộc sống. Hiện nay ngoài công việc hướng dẫn viên, Su còn muốn thành lập doanh nghiệp xã hội, đào tạo nghề cho trẻ em dân tộc.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN