Từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đến xã Bản Máy là 34 cây số. Đường đèo dốc, đất đá lởm chởm rất khó đi nên phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được xã vùng cao heo hút này. Bản Máy hiện ra trước mắt chúng tôi hoang sơ, nghèo nàn và đầy nắng gió. Trên những sườn núi cao, thấp thoáng những điểm trường, nơi con em đồng bào các dân tộc ươm mầm ước mơ. Tự bao giờ, con chữ ở Bản Máy thao thức bao nỗi niềm...
Nơi miền đất khó...
Theo anh Vương Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Bản Máy thì xã Bản Máy là một xã đặc biệt khó khăn vùng biên của huyện Hoàng Su Phì. Bản Máy là địa bàn sinh sống từ lâu đời của 5 dân tộc: La Chí, Tày, Phù Lá, Mông, Nùng. Xã có 4 bản nằm rải rác trên những sườn núi là Lùng Cẩu, Bản Pắng, Mã Tẻn và Lao Sán. Nằm trong chương trình 135 và 30A, mức sống của người dân còn rất thấp, hộ nghèo chiếm 46,7%. Người dân chủ yếu sinh sống bằng trồng lúa nương và trồng sắn với kỹ thuật thấp nên tháng giáp hạt, tỷ lệ hộ thiếu ăn khá nhiều. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ dân sinh rất thiếu thốn, nhất là điều kiện về giao thông khó khăn. Đường giao thông của xã hoàn toàn là đường đất, chính vì vậy, vào mùa mưa đường lầy lội, trơn như đổ mỡ, việc đi lại của người dân khá nhọc nhằn.
Từ nơi đất khó Bản Máy, những đứa trẻ nơi đây ước mơ con chữ mai này được nở hoa. |
Những năm trước đây, tỷ lệ hộ dân đói nghèo cao nên tình trạng học sinh bỏ học lên núi trồng lúa trồng sắn luôn ở mức cao. Khi ấy, thầy cô thường phải đến nhà học sinh để vận động các em. Xã Bản Máy có 3 cấp học gồm trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở. Với địa hình vùng cao đi lại khó khăn nên tại các thôn, bản xa, xã đã bố trí phân hiệu cho học sinh mầm non và tiểu học để các em được học chữ ngay tại bản. Thầy cô sẽ phải thay nhau lặn lội “cắm bản” dạy chữ cho con em đồng bào. Hai điểm trường mầm non tại bản Mã Tẻn và Lao Sán nằm gần trạm biên phòng trong khu rừng già. Cơ sở vật chất ở đây còn tuềnh toàng lắm. Lớp học trát đất, bàn ghế đơn sơ, phòng ở của giáo viên cắm bản tạm bợ. Được cái, nhận thức của người dân trong các bản xa này đã khác rồi. Họ quan tâm đến chuyện học của con em mình hơn trước nên bọn trẻ cũng tích cực tới trường.
Khi tốt nghiệp THCS, muốn đi học cấp 3, học sinh Bản Máy phải lặn lội vượt qua gần 40 cây số đường núi để đến trường nơi trung tâm huyện (trường Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoàng Su Phì, trường cấp III huyện). Những năm trước đây, số học sinh Bản Máy đi học cấp ba còn lác đác, nay đã đông dần lên. Có lẽ, các em học sinh nơi đây đã dần xác định được hướng đi để thoát khỏi đói nghèo chính là con đường học tập. Vì vậy, không quản ngại đường xa, không quản ngại khó khăn, học sinh Bản Máy đã “khăn gói” xuống núi học cấp 3.
Điểm trường mầm non tại bản Lao Sán còn đơn sơ và tạm bợ. |
Anh chủ tịch xã thổ lộ, sự nghiệp giáo dục Bản Máy những năm gần đây tuy có được cải thiện ít nhiều song vẫn còn đó những khó khăn cần sự chung tay của toàn xã hội. Anh cho biết: Nhìn chung cơ sở vật chất ở các nhà trường còn nhiều thiếu thốn như: đồ dùng học tập, nhà lưu trú học sinh, nhà lưu trú cho giáo viên, phòng học cho học sinh... Đường đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Hoàn cảnh của học sinh Bản Máy rất khó khăn, hầu như toàn bộ học sinh thuộc gia đình hộ nghèo. Nhà học sinh cách trường tới 9 km, xa nhất tới 12 km. Hiện nay 3 trường chỉ có 1 nhà lưu trú cho học sinh, 4 gian nên chưa thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện tốt cho các em yên tâm ở lại trường. Toàn xã có 426 học sinh, hàng năm các trường học ở Bản Máy phải thường xuyên đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là nghỉ học để phụ giúp gia đình vào các mùa vụ gieo trồng, thu hoạch; do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; thiếu lao động... trong đó tỉ lệ học sinh là con em người dân tộc Mông nghỉ học chiếm phần lớn. Cuộc sống của giáo viên cắm bản gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, nhà lưu trú.
Cùng chung tay gieo chữ
Không để cho con chữ Bản Máy trở nên gieo neo, chính quyền xã cùng các đơn vị, tổ chức và các đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong thời gian qua đã nỗ lực chung tay nhằm làm vơi đi những khó khăn trước mắt của thầy và trò. Anh Vương Xuân Minh cho biết, từ tháng 8/2011, cấp ủy, chính quyền xã, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn xã Bản Máy đã phát động chương trình "Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó". Ban đầu, số học sinh được chương trình đỡ đầu là 9 cháu với mức hỗ trợ mỗi tháng 100.000 đồng/cháu. Các cháu đều là con em người dân tộc Mông, trong đó có 3 cháu gái. Tuy nhiên cho đến nay, 2 cháu gái đã thôi học để lấy chồng, và 2 cháu trai, dù đã học hết lớp 10 cũng đã bỏ học để phụ giúp gia đình. Nhận thấy cách làm trên không mấy hiệu quả nên từ năm nay, chương trình sẽ không tập trung vào riêng con em người dân tộc Mông, mà thực hiện hỗ trợ bằng học bổng với số lượng và đối tượng mở rộng hơn, chủ yếu là với đối tượng học sinh đang theo học THPT hệ tự túc, các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, và đều được đưa về thôn, bản để bình xét. Nguồn kinh phí hỗ trợ đó thu từ các hộ gia đình với mức quyên góp 5.000 đồng/hộ/năm và vận động từ cán bộ công chức xã, chiến sỹ Đồn Biên phòng, Đội kinh tế quốc phòng 314, trạm y tế, các thầy cô giáo mỗi tháng quyên góp, ủng hộ 10.000 đồng/người. Với số tiền vận động được, mỗi năm chương trình sẽ xét cấp học bổng cho các cháu vào 2 đợt: Kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng 3/3 và ngày lễ khai giảng năm học mới.
Giáo dục Bản Máy vẫn còn đó những khó khăn. Điều đó đồng nghĩa với việc con chữ nơi đây vẫn mong đợi nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và các lực lượng xã hội.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng