Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL: Cấp thiết tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu hụt. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là việc làm cần thiết giúp giải quyết nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, cân đối sản xuất lúa gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi trong thời gian qua chưa nhiều và đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ.

 

Nhiều khó khăn


Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa còn chậm, một số loại cây trồng chưa thể hiện ưu thế so với trồng lúa, chưa có nguồn tiêu thụ ổn định. Mặt khác, sản xuất nông sản của khu vực này chưa có sự liên kết theo chuỗi, còn mang tính chất riêng lẻ. Do đó, doanh nghiệp không thể thu mua sản phẩm tốt, chất lượng đồng loạt trên cùng một diện tích sản xuất.

 

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao ở ĐBSCL cần chú trọng vào biện pháp luân canh - xen canh một lúa - một màu. Kim Há - TTXVN


Chính vì vậy, diện tích chuyển đổi này chưa nhiều, chỉ mới tập trung vào các loại ngô, đậu nành nhưng diện tích không đáng kể. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, diện tích chuyển đổi ngô tại đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 41.000 ha, trong đó, An Giang sản xuất ngô nhiều nhất trong khu vực, đạt gần 11.000 ha, sản lượng hơn 76.000 tấn. Với đậu nành, toàn khu vực có 3.100 ha, sản lượng đạt 6.800 tấn, Đồng Tháp có diện tích lớn nhất với 1.700 ha.


Bên cạnh đó, một khó khăn khác trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn là giống cây trồng nội địa có khả năng thích ứng rộng nhưng cho năng suất không cao trong khi các giống nhập nội, các giống lai cho năng suất cao thì lại chưa chủ động nguồn cung ứng giống. Nhiều giống đã được canh tác trong thời gian dài cần được đánh giá lại hoặc cải thiện các đặc tính cho phù hợp.


Theo TS Nguyễn Công Thành, Trưởng phòng Cây công nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển hệ thống giống này chưa nhiều, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thực tế. Mặt khác, mức độ áp dụng máy móc cơ giới hóa vào công tác chuyển đổi tại khu vực này chưa đồng loạt, kéo theo năng suất lao động chưa cao, làm hạn chế lợi nhuận từ cây trồng chuyển đổi này.


 

Cần giải pháp tháo gỡ


Để thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên nền đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả cao, Cục trồng trọt đã đề xuất nhiều biện pháp áp dụng cho việc chuyển đổi này. Trong đó, chú trọng vào biện pháp luân canh, xen canh một lúa - một màu, phát triển diện tích và năng suất cây ngô, đậu nành làm nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu hai loại sản phẩm này từ nước ngoài. Trong giải pháp được đề ra, cây ngô và đậu nành sẽ được luân canh với cây lúa trong vụ xuân hè, hè thu.

 

Ở nước ta, lúa là cây lương thực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo và giúp điều hòa cán cân lương thực cho xã hội. Để ổn định an ninh lương thực và theo đuổi kim nghạch xuất khẩu lúa gạo, trong thời gian gần đây diện tích lúa của Việt Nam mà đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng, tuy nhiên khi tăng về lượng thì lại giảm về chất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giá lúa luôn bấp bênh phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu mà Việt Nam không kiểm soát và điều tiết được, do đó sản xuất kém hiệu quả, người trồng lúa vẫn nghèo, chịu nhiều rủi ro, các địa phương có diện tích lúa nhiều thì chậm phát triển. Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp để giải quyết đầu ra tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa vào vụ thu hoạch. Việt Nam còn bị thiếu hụt trầm trọng những nguyên liệu nông phẩm khác phục vụ chế biến thức ăn gia súc và dầu thực vật.

Đây là nghịch lý của một quốc gia với ngành nông nghiệp là chính. Hiện nay, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi gia súc và thủy hải sản đang phát triển mạnh kéo theo nhu cầu nguyên liệu thức ăn gia súc tăng cao (đặc biệt là ngô và đậu tương). Tuy nhiên, tùy vào từng điều kiện tự nhiên và sinh thái khác nhau của từng vùng để khai thác ứng dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, có hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng. Do đó công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thiết lập một hệ thống sản xuất bền vững, có chuỗi giá trị cao là điều rất cần thiết phải đặt ra hiện nay khi gặp phải một số yếu tố không ổn định và mất cân bằng trong sản xuất và thị trường.

Đây là lúc thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước tưới cho cây lúa, kéo theo năng suất lúa thấp, kém hiệu quả. Với cây ngô và đậu nành, không cần nhiều nước tưới, khi luân canh hai loại cây trồng này, nông dân tăng cường bón phân hữu cơ, giúp cho thành phần dinh dưỡng trong đất ổn định. Việc xen canh cũng giúp cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh trên cây lúa, nhất là rầy nâu. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, thân và rễ cây đậu nành phân hủy là nguồn dinh dưỡng hữu cơ có ích cho cây lúa phát triển trong vụ sau. Ngoài ra, Cục trồng trọt cũng đề xuất phát triển thêm cây vừng, cây rau đay phù hợp trên nền đất phèn mặn tại khu vực Đồng Tháp Mười.


Ông Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng trọt cho biết, yêu cầu trước tiên cho việc chuyển đổi là trấn an tâm lí bất lợi từ chính người nông dân, do họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc sản xuất loại cây trồng mới và phải đầu tư ban đầu cao hơn, mà thị trường còn bấp bênh.


Các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên nền đất lúa phải đi đôi kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan khuyến nông với các cơ quan nghiên cứu khoa học để nhanh chóng nắm bắt các thiết bị kỹ thuật, chuyển giao kịp thời cho nông dân sản xuất các loại giống rau, màu, phục vụ chế biến cho tiêu dùng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu,… nhằm thâm canh, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.


Mặt khác, nhà nước và các địa phương cần hỗ trợ nông dân kinh phí mua giống, đặc biệt là giống cây trồng mới nhằm tạo ra sự đột phá về giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống giao thông, tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng ở những vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ công tác thông tin thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ những vùng có diện tích chuyển đổi lớn, tập trung và ổn định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức tập huấn, đào tạo và xây dựng mô hình ứng dụng các thiết bị kĩ thuật mới, mô hình ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững cho hiệu quả kinh tế cao trên đất lúa kém hiệu quả.


Hồng Nhung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN