Chuyện “chạy trường” ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, những phụ huynh giàu có thường bỏ ra một khoản tiền lớn để cho con vào học những trường được đánh giá là “ngon lành”. Hầu như mọi thứ, từ việc xin nhập trường cho đến điểm số hay nhận xét của giáo viên, đều có thể thương lượng nếu có đủ tiền và gặp đúng người.


Cuộc đua tốn kém


Tại các thành phố Trung Quốc, những trường học tốt nhất là trường công lập. Theo tiêu chuẩn của phương Tây, những trường công hàng đầu của Trung Quốc thường rất “xịn”. Ví như trường Jingshan ở thủ đô Bắc Kinh, giờ học thiên văn có hẳn một chiếc kính viễn vọng cao tới một tầng nhà được đặt trong căn phòng có trần nhà di động. Lớp học nào cũng có ti vi màn hình phẳng. Phòng máy tính toàn thiết bị đắt tiền. Trường còn có hồ bơi kích thước tiêu chuẩn Olympic và một vườn thủy sinh tiêu chuẩn. Giáo viên dạy các lớp cuối cấp của trường buộc phải có bằng tiến sĩ.

 

Trường Jingshan ở Bắc Kinh.


Điểm đầu vào các trường điểm như Jingshan ở mức “siêu” cạnh tranh nên không phải học sinh nào cũng đáp ứng được, dù có ngày đêm mài quần trên ghế lò luyện thi. Trong bối cảnh đó, các phụ huynh đã theo đuổi một cuộc chạy trường căng thẳng để đưa con mình vào được ngôi trường danh giá nhất bằng bất kỳ cách nào.


Theo lời của nhiều phụ huynh, khoản biếu xén, hối lộ cho một suất học có thể lên tới 16.000 USD (hơn 300 triệu đồng). Chuyện một suất học giá tới cả triệu USD cũng không phải là không có. Có phụ huynh thậm chí còn mua tặng nhà trường một chiếc thang máy mới và ngay lập tức, con vị này được nhận vào trường.


Theo quy định, học sinh sống ở đâu thì vào học các trường ở khu vực đó nhưng các nghiên cứu độc lập cho thấy, chỉ một nửa học sinh đang học tại các trường công tốt ở Bắc Kinh nhập học theo quy định. Số còn lại học trái tuyến theo ba hình thức gồm tài năng, tiền bạc và quan hệ.


Một số khoản tiền này đã được hợp pháp hóa dưới dạng “phí chọn trường”. Phần lớn các trường điểm đều đưa ra mức phí từ 5.000 đến 40.000 USD cho những học sinh sống ngoài khu vực đóng đô của trường. Dù chính phủ đã liên tục cấm những khoản phí này nhưng trên thực tế, nó không chỉ vẫn tồn tại mà ngày còn tăng.


Cuộc đua chưa chấm dứt khi học sinh được nhận vào học đúng trường mong muốn. Từ chạy trường, cuộc đua sẽ chuyển thành chạy điểm, chạy sự quan tâm. Có người biếu gạo sạch cho một giáo viên đang lo lắng về an toàn thực phẩm. Có người lại tặng quà đắt tiền xách tay từ nước ngoài về cho cô giáo.


Tài năng cũng phải chạy


Không có đủ tiền để tham gia cuộc đua chạy trường, cũng không có những mối quan hệ đặc biệt, Yang Jie và cô con gái Qianyi ngay từ đầu đã quyết định đạt mục tiêu vào trường điểm bằng cách nhắm tới các suất mà trường này dành cho những em có “tài năng đặc biệt”. Đó là lý do tại sao Qianyi đã đi học múa suốt ba năm nay. Em nói: “Đó là thứ duy nhất cháu giỏi”.


Khóa học múa của con gái “xén” mất của cô Yang 5.000 USD chỉ trong 6 tháng - một khoản tiền lớn với một người kiếm được 20.000 USD/năm và chồng đang thất nghiệp.


Tuy nhiên, có tài chưa chắc đã đảm bảo suất học. Vì tài năng là một thứ vô hình và quá trình đánh giá tài năng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các khoản biếu xén. Trong cuộc đánh giá đó, con bạn xếp thứ nhất nhưng họ có thể chọn em xếp thứ ba hay thứ tư và chỉ đơn giản giải thích rằng các em này có tiềm năng hơn.


Cô Yang bị sốc khi giáo viên dạy múa của Qianyi đề nghị giúp đỡ, tất nhiên là với một khoản phí nhất định. Cô tự hỏi không hiểu lời đề nghị này xuất phát từ lòng tham hay vì giáo viên đó thực sự nhận ra rằng con gái cô có tài. Yang vẫn chưa nhận lời nhưng cô cho biết mình chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN