Nhà tôi có cây dâu tằm, lá xanh tốt. Nghe nói lá cây có tác dụng chữa bệnh. Xin hỏi tác dụng cụ thể của nó là gì?
Dương Trường (Thanh Trì - Hà Nội)
Trả lời: Lá dâu có tác dụng tán nhiệt, khu phong, an thần, mát máu, sáng mắt... Dùng trị các chứng: Nóng gây sốt, đau đầu, mắt đỏ, khát nước. Theo kinh nghiệm, lá dâu tằm thường được dùng trong các bài thuốc sau:
1. Chữa cảm mạo, trừ đờm, làm sáng mắt: Ngày dùng 6 - 18g lá dâu bánh tẻ, sắc lấy nước uống.
2. Trẻ nhỏ bị sốt cao, co giật hoặc trẻ ngủ không an giấc, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm: Lấy 10 lá dâu bánh tẻ to, nấu nước uống.
3. Chữa thoát giang (trực tràng giãn, lòi búi trĩ ra ngoài): Nấu 16 - 18g lá dâu, đợi nước còn nóng ấm rửa búi trĩ và đẩy chỗ lòi dom lên, lấy băng băng lại, nằm nghỉ.
4. Chữa nhọt liền miệng: Dùng nước sắc lá trầu không để rửa. Lấy lá dâu vàng, sấy khô, tán bột mịn, rắc lên miệng nhọt, ngày làm một lần.
5. Thanh nhiệt, mát máu, an thần: Thái lá dâu bánh tẻ, chần qua nước sôi để giảm độ đắng sau đó nấu canh để ăn.
6. Làm giảm nóng, dễ tiêu do ăn thịt chó: Giã lá dâu bánh tẻ hoặc búp dâu trộn chung với món nhồi quen dùng, đưa vào lòng chó, sau đó mới luộc, hấp hoặc nướng.
Hoàng Dương (tổng hợp)